Tạo kỳ tích mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
“Cả nước nhìn vào, thế giới nhìn vào”
Sau 9 năm kháng chiến, mùa Thu lịch sử năm 1954, Hà Nội đã được đón Bác và Chính phủ trở về. Ngày 10/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến đồng bào Hà Nội lời kêu gọi nhân Ngày Giải phóng Thủ đô. Bác Hồ viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước.
Bác Hồ thăm và trò chuyện với cán bộ và nhân dân Hợp tác xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) ngày 31/1/1965. (Ảnh: Tư liệu) |
Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui không xiết kể”. Tiếp đó, Người kêu gọi Nhân dân Thủ đô “cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống vật chất và tinh thần của Thủ đô ta”; “Toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt qua mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Theo các chuyên gia, ba chữ “Thủ đô ta” được Bác Hồ nhiều lần nhắc đến khi nói về Hà Nội. Điều đó chứa đựng biết bao tình cảm sâu nặng, gần gũi và sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hà Nội, chỉ riêng Hà Nội mới có được vinh dự ấy. Ba chữ “Thủ đô ta” cũng nói lên vị trí, trách nhiệm, gắn với vai trò tiên phong, gương mẫu của Thủ đô. Với Đảng bộ và Chính quyền Hà Nội, Bác không những trực tiếp chỉ đạo, theo dõi việc lớn ở tầm chiến lược, vĩ mô và cả những công việc hết sức cụ thể, chi tiết và thiết thực hàng ngày. Trong những lời phát biểu, những bài nói chuyện tại các kỳ Hội nghị Đảng bộ Hà Nội, các Đại hội đại biểu nhân dân Hà Nội… Người rất chú ý tới vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh toàn diện. Người khẳng định “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”, nên “Thủ đô ta” phải phấn đấu để “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Bác cũng luôn yêu cầu Hà Nội xác định và bảo đảm hoàn thành trách nhiệm vị trí “đầu tàu”, vai trò “gương mẫu” với cả nước.
Thành công hiện tại, hướng tới tương lai
70 năm sau ngày giải phóng Thủ đô, đặc biệt sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, vận dụng sáng tạo đường lối chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước, khắc ghi những lời dặn dò của Bác Hồ, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân với tâm thế “Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nên phải đi trước về trước trong các phong trào”… nhờ đó Hà Nội đã thu được những kết quả toàn diện và có những bước phát triển đột phá chưa từng có.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội |
“Tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, sáng tạo, gương mẫu của Đảng bộ đã được xây dựng, phát triển và giữ vững trong suốt 94 năm qua, tiếp tục lãnh đạo Thủ đô phát triển nhanh và bền vững… Trước mắt tập trung hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đề ra”. Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành ủy |
Hơn 3 thập kỷ trước, khi nói về Hà Nội, mọi người chỉ nghĩ một Hà Nội gói gọn trong 36 phố phường, một Hà Nội là Thủ đô – trung tâm hành chính, chính trị của đất nước. Nhưng nay mọi thứ đã khác. Bên cạnh là Thủ đô trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, Hà Nội còn vươn lên là một trong hai trung tâm kinh tế của đất nước; là Thành phố có kết cấu hạ tầng phát triển nhất cả nước. Từ nông thôn, đến đô thị trung tâm như khoác lên lên mình tấm áo mới, khang trang hơn, hiện đại hơn.
Ngược lại hơn 15 năm trước, rút kinh nghiệm từ những đô thị lớn trong khu vực như Tokyo, Seoul, Bangkok… Hà Nội muốn vươn vai Phù Đổng không thể bó hẹp trong “chiếc áo” quá chật, chỉ vỏn vẹn trên 900 km2. Vì vậy, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Ngày 29/5/2008, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan,” có hiệu lực từ ngày 1/8/2008. Đây là Nghị quyết lịch sử thể hiện tầm nhìn chiến lược mở không gian để Thủ đô phát triển như ngày hôm nay và tiếp tục phát triển xứng tầm khu vực thời gian tới.
Để Hà Nội phát triển hơn nữa, xứng đáng “Trái tim cả nước”, ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW 2022 phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030; tiếp đó, ngày 24/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW, ngày 24/5/2024 về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 28/6/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)… Đây chính là những điều kiện cần và đủ để Hà Nội có đủ cơ chế, huy động mọi tiềm lực phát triển nhanh, bền vững.
Sẵn sàng cho kỷ nguyên vươn mình
Khi Thành phố kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, cũng là thời điểm các cấp quận, huyện đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII. Sự thành công của Hà Nội sẽ góp phần vào sự thành công của đất nước, nên chỉ trong những ngày đầu tháng 8/2024, Hà Nội vinh dự được đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Phạm Minh Chính đến làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vào các ngày 9/8; 17/8. Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gợi mở một số nội dung quan trọng.
Hà Nội chuẩn bị tâm thế cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc |
Trong đó, đồng chí Tô Lâm nhấn mạnh: “Cần phải nhận thức thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế vượt trội, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới, phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng, vị thế đặc biệt quan trọng của Thủ đô đối với vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành Thành phố tiêu biểu của cả nước về các mặt. Phát triển nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, bảo vệ môi trường; an ninh an toàn và hạnh phúc của nhân dân; với triết lý phát triển của Thủ đô dựa trên 5 trụ cột: Văn hóa và con người; Chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); Hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; Kinh tế số, đô thị thông minh; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Về phía Hà Nội, thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh: “Tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, sáng tạo, gương mẫu của Đảng bộ đã được xây dựng, phát triển và giữ vững trong suốt 94 năm qua, tiếp tục lãnh đạo Thủ đô phát triển nhanh và bền vững… Trước mắt tập trung hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đề ra”.
Phát huy hào khí tháng Mười, thấm nhuần những lời dạy, lời căn dặn của Bác Hồ, với phương châm “Tiền hô hậu ủng/Nhất hô bá ứng/ Trên dưới đồng lòng/Dọc ngang thông suốt” như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập – Hà Nội quyết tâm vươn mình Phù Đổng tạo nên những chiến công mới, thành tích mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lê Hà
Nguồn: Báo lao động thủ đô