Chuyển đổi xanh ngành dệt may: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu sang EU

Ngành dệt may đứng trước nhiều thách thức và cơ hội trong quá trình chuyển đổi xanh. Ảnh minh họa

Ngành dệt may dưới áp lực chuyển đổi xanh từ EU

Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều tài nguyên và gây tác động tiêu cực lớn đến môi trường. Theo thống kê của EU, ngành này đứng thứ tư về mức độ tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là về tiêu thụ nước và đất. Trước những vấn đề này, EU đã triển khai Chiến lược Dệt may tuần hoàn và bền vững (EU Strategy for Sustainable and Circular Textiles) nhằm định hình lại ngành dệt may theo hướng bền vững hơn.

Mục tiêu của chiến lược là đến năm 2030, tất cả các sản phẩm dệt may trên thị trường EU phải đáp ứng tiêu chí về độ bền, khả năng sửa chữa, tái chế và an toàn môi trường. Chiến lược không chỉ tác động đến khâu sản xuất mà còn hướng tới thay đổi hành vi tiêu dùng, khuyến khích lựa chọn các sản phẩm chất lượng cao, chấm dứt xu hướng thời trang nhanh và khuyến khích sửa chữa, tái chế sản phẩm.

Để thực hiện mục tiêu này, EU đưa ra yêu cầu bắt buộc đối với các sản phẩm dệt may phải sử dụng sợi tái chế, đáp ứng tiêu chuẩn xanh trong thiết kế và sản xuất. Việc tiêu hủy sản phẩm tồn kho cũng bị cấm, tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp dệt may trong và ngoài EU, trong đó có Việt Nam.

Thách thức và cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam trong quá trình chuyển đổi

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, với trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang thị trường EU trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt trên 2,78 tỷ USD, tăng 7,49% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, sự gia tăng này đi kèm với những thách thức lớn khi các quy định xanh của EU đang ngày càng khắt khe.

Những yêu cầu từ EU không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc sản xuất các sản phẩm chất lượng, mà còn yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ quy trình sản xuất bền vững, giảm phát thải và tiết kiệm tài nguyên. Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết: “Các nước tại thị trường EU đang yêu cầu sản phẩm dệt may phải có tuổi thọ lâu dài, có thể tái chế, tái sử dụng được để giảm thiểu tác động đến môi trường.”

Các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Myanmar, Campuchia, và Indonesia cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải hành động quyết liệt hơn để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường EU.

Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã bắt đầu chuyển mình. Nhiều công ty đang đầu tư mạnh vào công nghệ xanh để giảm thiểu tác động môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn của EU.

Ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, chia sẻ: “Xu thế thương mại xanh là tất yếu, và những bước đi đầu tiên trên hành trình cắt giảm carbon hôm nay sẽ đặt nền móng cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Mặc dù chi phí đầu tư cao, chuyển đổi xanh là con đường tất yếu để doanh nghiệp giữ vững vị thế xuất khẩu.”

Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch HĐQT công ty, nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, như điện mặt trời, và chuyển đổi công nghệ sản xuất là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng yêu cầu của thị trường. “Việc chuyển đổi này đòi hỏi doanh nghiệp phải có đủ nguồn lực tài chính và nhân sự, đây là rào cản lớn đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay,” ông Việt chia sẻ.

Bên cạnh những thách thức, quá trình chuyển đổi xanh cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Theo ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận các thị trường lớn như EU mà còn nâng cao tính cạnh tranh và gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tiên phong trong việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh, thậm chí còn cao hơn so với yêu cầu hiện hành của EU. Điều này giúp họ có lợi thế khi các quy định mới chính thức được ban hành. Việc chuẩn bị sớm và tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng xanh sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam duy trì và mở rộng thị trường trong dài hạn.

Có thể khẳng định, chuyển đổi xanh không chỉ là một xu thế tất yếu mà còn là yếu tố then chốt để duy trì tính cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường EU. Mặc dù quá trình này đòi hỏi nhiều sự đầu tư về công nghệ và nhân lực, nhưng nếu các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời và thực hiện các chiến lược phù hợp, chuyển đổi xanh sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam trong tương lai.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích