Xử phạt Công ty Dabaco Thanh Hóa do vi phạm về môi trường
Theo đó, Công ty TNHH Dabaco Thanh Hóa, có trụ sở tại Khu Cống Hang, xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành, đã thực hiện hai hành vi vi phạm chính: Hành vi thứ nhất, công ty đã không tuân thủ quy trình xử lý nước thải như quy định trong giấy phép môi trường. Cụ thể, công ty đã tiến hành đào múc đất tạo thành các rãnh chứa nước thải đã qua xử lý từ hoạt động chăn nuôi tại những vị trí không đúng với nguồn tiếp nhận nước thải được phê duyệt. Hành vi này vi phạm điểm c khoản 2 Điều 11 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, với mức phạt tiền 50 triệu đồng.
Trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH Dabaco Thanh Hóa có những vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Ảnh: dabaco.com.vn
Hành vi thứ hai, công ty đã hủy hoại đất khi đào múc để tạo các rãnh chứa nước tại khoảnh 5, tiểu khu 321, khu vực đất lâm nghiệp với tổng diện tích 4.021 m². Việc đào múc này đã làm thay đổi địa hình tự nhiên của khu vực, hạ thấp bề mặt đất so với xung quanh, gây ảnh hưởng đến chất lượng đất. Hành vi này vi phạm điểm c khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, với mức phạt tiền 40 triệu đồng.
Tổng cộng, Công ty TNHH Dabaco Thanh Hóa bị xử phạt số tiền 90 triệu đồng. Ngoài việc nộp phạt, công ty còn bị buộc phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được quyết định xử phạt.
Cũng liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực môi trường, trước đó UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt vi phạm hành chính 300 triệu đồng đối với cơ sở Nhà máy chế biến dăm gỗ và ván công nghiệp của Công ty TNHH Innovgreen địa chỉ tại Khu công nghiệp số 1, Khu kinh tế Nghi Sơn, phường Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn do không có giấy phép môi trường theo quy định.
Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, Công ty TNHH Innovgreen Thanh Hóa còn bị UBND tỉnh Thanh Hóa đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở trong thời hạn 3 tháng, tính từ ngày quyết định này có hiệu lực thi hành.
Quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) về nước thải chăn nuôi và nước thải công nghiệp
1. QCVN 62-MT:2016 về nước thải chăn nuôi, quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải. Theo công thức: Cmax = C x Kq x Kf
Trong đó:
– Cmax là giá trị tối đa cho phép của thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải;
– C là giá trị của thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi quy định tại mục 2.1.2;
– Kq là hệ số nguồn tiếp nhận nước thải quy định tại mục 2.1.3 ứng với lưu lượng dòng chảy của sông, suối, khe, rạch, kênh, mương;dung tích của hồ, ao, đầm, phá; mục đích sử dụng của vùng nước biển ven bờ;
– Kf là hệ số lưu lượng nguồn thải quy định tại mục 2.1.4 ứng với tổng lưu lượng nước thải của các cơ sở chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải.
Áp dụng giá trị tối đa cho phép Cmax = C (không áp dụng hệ số Kq và Kf) đối với thông số pH và tổng coliform; Nước thải chăn nuôi xả ra hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung thì áp dụng giá trị Cmax = C quy định tại cột B, Bảng 1.
2. QCVN 40:2011 về nước thải công nghiệp, quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả nước thải công nghiệp ra nguồn tiếp nhận nước thải. Nước thải công nghiệp của một số ngành đặc thù được áp dụng theo QCVN riêng. Nước thải công nghiệp xả vào hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung có quy định cụ thể trong QCVN. Đáng chú ý có Asen là 0,05 mg/l; Thuỷ ngân không quá 0,005 mg/l; Tổng xianua không được phép vượt 0,07 mg/l; Chì 0,1 mg/l…
Duy Trinh (t/h)