Người tiêu dùng cần cảnh giác trước nguy cơ mua phải vàng giả trên mạng
Trên thị trường, giá vàng miếng, vàng nhẫn hiện đã tăng đến mức trên dưới 84 triệu đồng/lượng (khoảng 8,4 triệu đồng/chỉ) và hiện tượng khan hiếm cũng xuất hiện. Thế nhưng, trên mạng đã xuất hiện việc livestream mua bán vàng với mức giá được cho là rẻ đáng ngờ.
Sự nhộn nhịp này chủ yếu là do người mua bị hạn chế về số lượng và số lần mua vàng miếng SJC. Mỗi người chỉ được mua 1 – 2 lượng/lần trong vài tuần hoặc 1 tháng. Nhiều người đăng ký mua vàng qua các trang trực tuyến của các thương hiệu qua nhiều ngày vẫn không mua được vàng.
Ông Trần Hữu Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý ASEAN (AJC), phản ánh hiện nay có không ít người chuyên “canh me” đặt mua vàng miếng từ các ngân hàng rồi bán lại suất mua để kiếm thu nhập. Trong khi một số khác thì kích thích người dân bán vàng miếng bằng cách mua vào với giá cao hơn 2 – 3 triệu đồng/lượng so với giá thu mua của các doanh nghiệp rồi bán lại cho giới đầu cơ hoặc người có nhu cầu.
Mua vàng trên mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro cần cảnh giác. Ảnh minh họa
Ông Đang nhìn nhận người dân giao dịch vàng trên thị trường tự do có nguy cơ gặp rủi ro cao bởi ngoài tình huống bị lừa đảo mua vàng giả, còn có thể không nhận được chứng chỉ chính chủ và có thể gặp phiền toái khi bán số vàng này. Người bán vàng cũng có thể bị cơ quan chức năng “hỏi thăm” vì trục lợi chính sách ổn định thị trường vàng.
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn thành phố Hồ Chí Minh (SJA), tình trạng người dân khó mua vàng nhẫn trơn là có thật vì nguồn cung hiện khan hiếm, dẫn tới việc nhiều người lên các diễn đàn, hội nhóm để hỏi mua, giao dịch trực tiếp với nhau. Điều này sẽ phát sinh rủi ro cho cả người mua và người bán. Nếu sản phẩm kém chất lượng thì ai chịu trách nhiệm, ai kiểm soát. Vì vậy người dân nên mua bán vàng ở cửa hàng được cấp phép để được bảo đảm về chất lượng, có thể lấy hóa đơn.
Ông Dưng cũng nêu nghịch lý trên thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ là giá vàng lập kỷ lục nhưng hoạt động sản xuất lại rất khó khăn vì thiếu nguyên liệu đầu vào. Không có vàng nguyên liệu nên rất khó để tạo ra sản phẩm vàng trang sức mới, không kích thích được nhu cầu mua bán.
Còn theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, căn cứ vào điều 19 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, việc kinh doanh mua, bán vàng, trang sức online không thuộc vào các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng, nên hình thức này được pháp luật thừa nhận.
Tuy nhiên, pháp luật quy định, hoạt động mua, bán vàng phải được thực hiện tại các cơ sở kinh doanh được cấp phép, theo đó, đối với vàng trang sức, mỹ nghệ người dân thực hiện mua bán tại các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ trên cả nước. Đối với vàng miếng người dân chỉ được thực hiện mua bán tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng.
Vì vậy, để tránh mua phải vàng giả, vàng kém chất lượng, người dân cần trang bị những kiến thức cần thiết trong giao dịch vàng người dân nên giao dịch vàng tại các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn, uy tín, có đầy đủ máy móc, công nghệ hiện đại. Khi mua bán phải có Giấy đảm bảo vàng niêm yết đầy đủ thông tin về số lượng, giá giao dịch tại thời điểm giúp khách hàng đảm bảo được quyền lợi của mình. Trường hợp phát hiện mình mua phải vàng giả cần trình báo tới cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.
Trong trường hợp xuất hiện hành vi kinh doanh vàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Theo điểm c khoản 2, điểm b khoản 3, điểm a khoản 6 Điều 63 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP), người vi phạm có thể bị phạt tiền, tùy vào hình thức vi phạm, gồm: cung cấp thông tin hoặc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không đủ điều kiện kinh doanh; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet; lừa đảo khách hàng trên website thương mại điên tử hoặc ứng dụng di động.
Đồng thời, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; buộc thu hồi tên miền hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm. Ngoài ra, đối với trường hợp xuất hiện hành vi mạo danh doanh nghiệp khác, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý vi phạm hình sự.
An Dương (T/h)