Triển khai tiêm vắc xin zona thần kinh tại Việt Nam

Ngày 4/10, Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng Tập đoàn dược phẩm GSK (Bỉ) chính thức ra mắt vắc xin zona thần kinh tại Việt Nam.

Triển khai tiêm vắc xin zona thần kinh tại Việt Nam
Khách hàng tiêm vắc xin zona thần kinh (Ảnh: Hệ thống tiêm chủng VNVC).

Bệnh zona thần kinh tuy không bùng phát thành dịch lớn, nhưng lại gây ra hàng loạt biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt hay gặp ở người cao tuổi và người có bệnh lý suy giảm miễn dịch, bệnh lý nền như tổn thương da, đau đớn mức độ cao, đau thần kinh dai dẳng, liệt mặt, mù lòa, viêm phổi, viêm gan, viêm não, viêm màng não, đột quỵ…

Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, vắc xin zona thần kinh được hãng dược phẩm GSK đưa vào sử dụng trên thế giới từ năm 2017. Đến nay, vắc xin này đã được phê duyệt và sử dụng ở hơn 50 nước, trong đó nhiều nước đã đặt hàng số lượng lớn để đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia cho toàn dân như vương quốc Anh, Úc, Hy Lạp, Canada, Đức, Ý, New Zealand…

Vắc xin được sản xuất theo công nghệ bất hoạt, tái tổ hợp và công thức chứa dược chất đặc biệt giúp tăng hiệu quả trên người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch do bệnh lý. Vắc xin có hiệu quả phòng ngừa zona thần kinh lên đến 97% ở người từ 50 tuổi trở lên và đến 87% trên người từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý đồng thời giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và các biến chứng khác hơn 90%.

Vắc xin được chỉ định cho người lớn từ 50 tuổi trở lên và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao mắc zona thần kinh (người bị suy giảm miễn dịch hoặc bị ức chế miễn dịch do bệnh lý hoặc các thuốc điều trị…). Người từ 50 tuổi trở lên tiêm 2 mũi cách nhau 2 tháng. Người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona thần kinh tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng.

Zona thần kinh là bệnh hậu thủy đậu do vi rút Varicella Zoster (VZV) gây ra. Người nhiễm vi rút VZV lần đầu sẽ mắc bệnh thủy đậu. Sau khi khỏi bệnh, vi rút này không bị tiêu diệt hoàn toàn mà trú ẩn trong các rễ hạch thần kinh và sẽ tái hoạt động gây bệnh zona thần kinh khi gặp điều kiện thuận lợi như tuổi cao, suy giảm miễn dịch, căng thẳng, suy nhược cơ thể, sau phẫu thuật, điều trị ung thư, mắc các bệnh lý nền như tim mạch, hen suyễn, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, cơ xương khớp… Bất kỳ ai đã từng bị thủy đậu trước đó đều có thể bị zona thần kinh.

Người chưa có miễn dịch với thủy đậu có thể bị lây thủy đậu nếu tiếp xúc với giọt bắn từ đường hô hấp và dịch tiết từ mụn nước ở bệnh nhân bị thủy đậu hoặc mụn nước bị vỡ của người bệnh zona. Người bị thủy đậu sẽ có nguy cơ bị zona thần kinh sau này.

Zona thần kinh biểu hiện ở người mắc với các ban đỏ, mụn nước, bọng nước tập trung thành đám, thành chùm dọc theo đường phân bố của thần kinh ngoại biên, thường mọc ở một bên cơ thể. Bệnh thường xuất hiện và có thể khỏi sau khoảng 2-4 tuần.

Tuy nhiên, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt như: Bội nhiễm các sang thương da dẫn đến nhiễm trùng huyết; viêm kết mạc, giác mạc, hoại tử võng mạc cấp tính dẫn đến mù lòa; liệt mặt, ù tai, nghe kém hoặc mất khả năng nghe; rối loạn đại tiểu tiện; viêm não, viêm màng não, tai biến mạch máu não; viêm phổi, viêm gan. Zona thần kinh còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp…

Nếu may mắn không gặp biến chứng nặng, người bệnh cũng bị đau đớn nghiêm trọng nhiều ngày sau khi khỏi bệnh zona thần kinh và bị tăng giảm sắc tố da, sẹo lồi ở các vùng phát ban. Đặc biệt, có khoảng 5-30% người bệnh sẽ gặp biến chứng đau dây thần kinh sau zona kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm, thậm chí cơn đau kéo dài dai dẳng đến suốt cuộc đời.

Tại Việt Nam, các bệnh viện cũng ghi nhận zona thần kinh có xu hướng gia tăng sau đại dịch Covid-19 với hàng ngàn trường hợp gặp biến chứng, nhập viện mỗi năm.

Với phần lớn người trưởng thành từng tiếp xúc với vi rút thủy đậu nhưng không có triệu chứng rõ ràng, cùng hàng nghìn ca mắc thủy đậu mỗi năm và tình hình già hóa dân số, mỗi người mắc cùng lúc nhiều bệnh mãn tính, người có nguy cơ mắc zona thần kinh ở Việt Nam là rất cao. Việc có thêm vắc xin zona thần kinh bên cạnh vắc xin thủy đậu sẽ hoàn thiện lá chắn miễn dịch, giúp người dân tăng cường phòng bệnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, vắc xin zona thần kinh ngăn chặn sự tái hoạt động của vi rút đang tiềm ẩn trong các hạch thần kinh sau khi mắc thủy đậu, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh và các biến chứng liên quan. Đây là giải pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả cho người từ 50 tuổi hoặc 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona thần kinh.

Bộ Y tế Việt Nam đã đưa dự phòng bệnh zona thần kinh bằng vắc xin vào trong Hướng dẫn quốc gia về Chẩn đoán và Điều trị các bệnh da liễu 2023.

Khuyến cáo tiêm phòng zona thần kinh cho các bệnh nhân có bệnh nền mãn tính cũng được đưa vào khuyến cáo tiêm chủng quốc gia và các hiệp hội chuyên ngành như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, đái tháo đường, cơ xương khớp.

Minh Khuê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích