Trần Nam Tước – người nghệ nhân “bách nghệ” của làng gốm Bát Tràng
Gặp gỡ Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước (tên thật là Trần Xuân Triều) vào một buổi sáng đầu thu trong lành và mát mẻ. Thật trùng hợp cũng là ngày xưởng gốm của anh bắt đầu sản xuất trở lại sau một thời gian dài phải đóng cửa vì dịch bệnh.
Người Nghệ nhân Bách nghệ – tài hoa
Đón tiếp tại phòng làm việc cá nhân, mở đầu câu chuyện là những chén trà nóng hổi thơm phức cả căn phòng, anh chia sẻ nhiều điều đã trải qua và những thăng trầm bằng một giọng trầm lặng của một người trải đời và trải nghề. Bắt đầu từ năm 15 tuổi anh đã “phiêu bạt” coi “4 bể là nhà” với đủ nghề để kiếm sống… từ làm thợ xây, phụ hồ, làm mộc, thậm chí có thời điểm khó khăn còn phải đi thu mua phế liệu; nếu sống bằng nghề thì chắc có hẳn “chục nghề” là kế sinh nhai, anh trải lòng… nhưng có lẽ, với gốm và ngày đặt chân về làng gốm, sứ Bát Tràng chính là định mệnh, cái duyên ông trời “xe tơ” và giữ anh ở lại cho đến bây giờ.
Nhưng một điều cũng đặc biệt, làng gốm, sứ Bát Tràng không phải cái “nôi” đầu tiên đưa người Nghệ nhân tài hoa này đến với gốm. Trước đó, anh có thời gian dài làm thợ gốm tại thị xã Thái Bình quê hương của anh; hướng tay đến một khu trong phòng trưng bày, anh giới thiệu những sản phẩm đã làm trước khi về Bát Tràng. Anh bảo rằng, niềm yêu thích gốm của anh có được từ trước khi anh đặt chân về đây, nhưng Bát Tràng lại là nơi giúp anh thăng hoa sáng tạo trong từng sản phẩm.
Trò chuyện cùng anh mới thấy, sự từng trải và niềm đam mê đến tận cùng với nghề gốm đã tô vẽ, tạo nên Trần Tước vừa phong trần, bụi phủi nhưng cũng vừa hiện đại không pha tạp. Dù đã thành danh và nhận được nhiều giải thưởng danh giá của nghề, nhưng khi chia sẻ thì anh vẫn chỉ khiêm nhường nhận mình là một người thợ học hỏi từ những điều tinh túy của làng nghề có tuổi đời gần nghìn năm tuổi, để tạo ra sự khác biệt và sáng tạo theo cách riêng, đậm dấu ấn Trần Tước. Sản phẩm của anh là một sự sáng tạo không chắp nối, mỗi sản phẩm đều mang một ý tưởng mới mẻ và độc đáo. Bởi theo anh, đã là sáng tạo thì sẽ không có khuôn mẫu nào cả và anh không bao giờ làm lại những điều đã cũ. Vốn tài hoa và bách nghệ là vậy, nên cách anh thể hiện trên từng sản phẩm cũng khác lạ.
“Đã là sáng tạo thì không có khuôn mẫu nào cho nó và phải tốt hơn, còn đã là bảo tồn thì phải bảo tồn đến bảo thủ – Nghệ nhân Ưu tú Trần Tước”.
Sáng tạo tại xưởng gốm thôi chưa đủ, trong căn phòng làm việc, thế giới riêng của anh có nhiều thứ vui tao nhã khác đó là vẽ tranh và đọc sách… anh chỉ giá sách được phủ đầy những cuốn sách về thiết kế, kiến trúc… lịch sử văn hóa và cho biết mình rất thích nghiên cứu và đã nghiên cứu thì thường anh sẽ đọc rất sâu. Anh chia sẻ, bình thường khi có khách, anh sẽ mời khách ngồi ở phòng khách và chỉ tay về hướng căn phòng nhìn ra vườn rất xanh mát. Nói thật, nếu anh không nói thì cứ nghĩ ngôi nhà gia đình anh đang ở phải rộng chừng 600 m2 chứ không chỉ là 250 m2, bởi không gian ở đây thoáng mát, nhiều cây xanh; sân vườn, lối đi đều được thiết kế rất hợp lý.
Vào vai “hướng dẫn viên”, anh dẫn đi thăm quan ngôi nhà và chia sẻ với niềm vui – “của nhà trồng được”. Tất cả ngõ ngách trong ngôi nhà này đều một tay anh thiết kế, mọi thứ chỉn chu tới mức tưởng như phải nhờ đến một nhà kiến trúc nổi tiếng nào đó thiết kế chứ không phải của một người Nghệ nhân “quê lúa – tay bị tay gậy”.
Vừa xen lẫn ngạc nhiên và cũng thán phục, bởi mọi thứ và kinh nghiệm của người Nghệ nhân “bách nghệ” này đều là do tự mầy mò mà không qua trường lớp đào tạo hay một người thầy chính danh nào.
Tự nhận mình là người khó tính đến kỹ tính, anh từng nói chỉ thích làm một mình vì “một lần bất tín vạn lần mất tin” cũng là bài học về sự tin người nên sau lần mất tin đó anh luôn lựa chọn đi một mình; có lẽ đây cũng là sự “dị biệt” riêng có. Tuy nhiên, chia sẻ vui anh nói, dù năm vừa qua có nhiều khó khăn do dịch bệnh, ảnh hưởng nặng nề, nhưng xưởng gốm nhà anh cũng đã xuất khẩu thành công 5.000 pho tượng sang Châu Âu và lần này thì không phải đi một mình, mà anh đồng hành với một công ty xuất nhập khẩu để hỗ trợ cho anh trong khâu trung gian.
Chia sẻ về người Nghệ nhân “bách nghệ”, anh Vũ Đình Mạnh, người sáng lập chuỗi hệ thống cửa hàng “Không gian gốm Bát Tràng” và cũng là đối tác hỗ trợ xuất khẩu lô hàng 5.000 pho tượng đi sang Anh cho xưởng gốm của Nghệ nhân Trần Nam Tước cho biết: trong làng Bát Tràng, có rất nhiều Nghệ nhân giỏi… và trong đó, “anh Tước được coi là một người “bách nghệ” tài hoa, các sản phẩm của anh Tước làm ra đều rất độc đáo và chứa đựng khao khát cống hiến vì nghệ thuật, tiếp nối tinh hoa của làng nghề; đặc biệt, anh Tước là người có tự tôn của nghề rất cao, không bao giờ làm những sản phẩm mà người khác đã từng làm. Không chỉ giỏi trong nghề gốm, anh Tước còn rất am hiểu và giỏi trong nhiều lĩnh vực như kiến trúc, sơn mài… các sản phẩm của anh Tước không chỉ có nét đẹp của nghệ thuật mà còn hàm chứa nét đẹp của văn hoá, mỹ thuật và điêu khắc. Thể hiện rõ nét nhất sự tài hoa của người Nghệ nhân này là các tác phẩm cứ gửi đi thi là có giải. Cũng không cần phải chia sẻ gì nhiều vì thông qua những sản phẩm, phần nào đã nói lên về con người của anh Tước”.
Khi đề cập đến quan điểm nghề, như “bắt đúng mạch”, anh “kê đơn” ngay, làm nghề nào cũng cần phải chỉn chu và tâm huyết; khi thích điều gì đó anh sẽ tìm tòi và tìm hiểu thật kỹ. Có thể vì thế, mà sản phẩm của anh vừa sáng tạo nhưng sẽ đặc biệt, không ai có; hơn thế, nó tái hiện lại sự tinh hoa của làng nghề, những điểm tích lịch sử mang đậm nét văn hóa. Không sao chép, không cố định một khuôn mẫu – là quan điểm gốm mà Trần Tước muốn gửi gắm, một dòng gốm vừa đẹp, độc, lạ và vừa mang yếu tố văn hóa cội nguồn. Chính vì sản phẩm được dựa trên sự sáng tạo nên sản phẩm của anh chỉ đáp ứng với số ít người tiêu dùng, bởi sự khắt khe và tính phù hợp.
Bởi vậy, dấu ấn của Trần Tước cũng đặc biệt và khác lạ với nhiều nghệ nhân khác đó là đi sâu sáng tác về dòng gốm linh vật; dòng gốm nghệ thuật điêu khắc cùng tiến trình lịch sử dân tộc; và dòng gốm trang trí kiến trúc. Như anh nói vui, đó đều là những đề xuất của anh tới những xưởng gốm trước đó khi anh còn đi làm thuê; nhưng có thể mọi người không hứng thú, nên anh đã quyết định theo đuổi và đam mê với lựa chọn này.
Có đam mê, có nỗ lực và như các cụ vẫn bảo “có công mài sắt có ngày nên kim” các tác phẩm gốm linh vật của Nghệ nhân Ưu tú Trần Tước đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu của người Việt. Ngoài ra, anh còn tham gia vào trùng tu nhiều công trình, di tích lịch sử: cổng Nghi Môn trong cung điện Vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa; phục chế một số di tích ở Huế; trùng tu, tôn tạo khu Thủy Tổ quan họ làng Diềm, Bắc Ninh; tác phẩm “Sơn Nam Thủy tổ” cung tiến tại Đền Hùng, Phú Thọ; “Linh nghê” cúng tiến tại Đền Đô; “Kỳ lân” cung tiến ra đảo Trường Sa…
Không chỉ hỗ trợ, trùng tu những công trình mang tính lịch sử, mà ở các công trình theo lối kiến trúc hiện đại như khách sạn InterContinental Đà Nẵng – Sun Peninsula Resort, các công trình tại Sun Group… anh cũng được các doanh nghiệp đặt chế tác để trang trí. Đây cũng chính là dấu ấn mà người Nghệ nhân này tự hào, bởi những thành quả, sáng tạo của anh được công chúng đón nhận và coi trọng.
Được sinh ra và lớn lên ở vùng quê “5 tấn”, Kiến Xương, Thái Bình, nên dù thành công ở làng nghề và nhận được vô số giải thưởng danh giá, nhưng anh vẫn luôn đau đáu một kế hoạch trở về, gắn kết và xây dựng quê hương; mong muốn, sẽ làm một không gian trưng bày tại quê nhà với những tác phẩm mà anh đã sáng tạo suốt mấy chục năm qua; đây là kế hoạch tâm huyết nên mọi thứ anh đều tự tay làm và đang hoàn thiện dần…
Mặc dù, là thế hệ kế thừa học hỏi tinh hoa, đúng như anh nói, cả làng gốm là thầy, song, chính nhờ sự sáng tạo và cách làm việc chỉn chu, sự khiêm nhường học hỏi, những tác phẩm của anh đều để lại dấu ấn đặc biệt, đậm nét Trần Tước, được giới chuyên môn ghi nhận và đánh giá cao.
Trăn trở về một làng nghề cổ chưa phát huy hết giá trị vốn có
Chia sẻ về làng gốm, sứ Bát Tràng, Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước cho biết, ở đây cái gì cũng có, một làng nghề cổ có bề dày văn học và yếu tố tâm linh. Làng Bát Tràng rất đặc biệt vì có cả ngũ linh (đình, đền, chùa, văn chỉ và miếu). Nếu nói Bát Tràng chỉ có gốm thì thật là thiếu xót, vì ở đây còn là làng khoa bảng, có Trạng nguyên, Tiến sỹ, Quận công; làng có Tiên hiền với rất nhiều sắc phong qua các triều đại, đấy là bề dày rất lớn về văn hóa; về gia tộc, dòng họ nào ở Bát Tràng cũng giữ được nhà thờ mà ít nơi nào có; về nghề gốm ở Bát Tràng thì là một nghề cổ lâu đời và quý giá vì nghề gốm là nghề của ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), nghề gần gũi nhất trong đời sống và hữu dụng nhất và Bát Tràng hội tủ đầy đủ 5 yếu tố ngũ hành đó.
Tuy nhiên, với tầm cỡ của một làng nghề có truyền thống khoa bảng, văn học lâu đời, tiếng tăm lớn và kinh tế mạnh thì Bát Tràng ngày nay phát triển chưa đúng tầm; và theo anh, chính yếu tố con người đã phần nào kìm hãm lại sự phát triển đó. Bởi cái yếu tố truyền thống ăn sâu vào tâm thức nên sự sáng tạo và đổi mới dường như bị giới hạn lại. Nếu thay đổi được tâm thức đó và vươn mình ra khỏi tư duy của một làng nghề, mở mang giao kết nhiều hơn thì tôi tin rằng, làng nghề Bát Tràng còn phát triển hơn nữa… dựa trên tính chủ động, sáng tạo không chỉ trên nhu cầu thực tế của khách hàng mà hãy sáng tạo ra cái mà khách hàng có thể thấy được giá trị của sản phẩm.
Là một người Nghệ nhân đa tài, không chỉ giỏi và am hiểu về kiến trúc, phục chế đồ cổ… anh còn dành thời gian sáng tác ra những bức tranh chỉ để đó, mà theo anh đó là những nét khắc họa khi anh trống thời gian… dù không phải để bán nhưng phải công nhận rằng Trần Tước có một đôi bàn tay “đắt giá” bởi những tác phẩm của anh phần lớn đều rất có hồn và đặc biệt!
Khép lại cuộc trò chuyện đầu mùa thu, hương sữa thơm nồng bằng những chia sẻ đau đáu với nghề: “làm nghề mình thích, thích nghề mình làm. Làm nghệ thuật là một con đường dài không có đích, cứ đi và đi; người đã làm nghệ thuật mà bước chân lại chính bạn là một sự thất bại,… trừ trường hợp làm bảo tồn thì phải bảo tồn một cách bảo thủ, đã không phải bảo tồn thì phải cho nó mới, năm mới, thế kỷ khác, con người khác thì phải thay đổi tư duy và khách hàng chính là người quyết định sự tồn tại của một người nghệ nhân”! Đây cũng là những quan điểm dạy con của Nghệ nhân khi con của anh đang theo học ngành kiến trúc.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu