Đà Nẵng xử phạt doanh nghiệp có hành vi nhập khẩu nhiều động cơ diesel xâm phạm nhãn hiệu

Đội Quản lý thị trường số 5 tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH MTV H.T.P địa chỉ tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Đội Quản lý thị trường số 5 phát hiện tại Công ty TNHH MTV H.T.P nhập khẩu 90 động cơ diesel hiệu Tiger các loại gắn dấu hiệu “TIGER POWER và hình” và gắn dấu hiệu “HOBI” có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 1 tỷ 179,2 triệu đồng.

Qua quá trình xác minh và làm việc, Đội Quản lý thị trường số 5 lập biên bản vi phạm hành chính và hoàn chỉnh hồ sơ, trình Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng tham mưu cấp có thẩm quyền là UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH MTV H.T.P với số tiền 500 triệu đồng.

Đội QLTT số 5 tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH MTV H.T.P

Quyết định xử phạt hành chính được ban hành khi xác định doanh nghiệp nói trên nhập khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Đồng thời, Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc loại bỏ và tiêu hủy yếu tố vi phạm đối với hàng hóa vi phạm.

Thực tế cho thấy, nhiều tổ chức, cá nhân vì mục đích thu lợi bất chính hoặc làm giảm uy tín để cạnh tranh không lành mạnh mà xâm phạm nghiêm trọng đến nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân khác đã được đăng ký bảo hộ thông qua hành vi giả mạo nhãn hiệu đó. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ vi phạm việc giả mạo nhãn hiệu hàng hóa sẽ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp xử lý hành chính, theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, căn cứ vào mục đích của hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Đối với trường hợp xử lý hình sự, hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ. Do đó, hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS) hoặc Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS).

Việc xác định hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả hay tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên từ thực tiễn xét xử hành vi trên, cá nhân chỉ nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp để tăng lợi nhuận kinh doanh chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm thì sẽ bị xử lý về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; còn nếu hành vi giả mạo đồng thời nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp và lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa thì xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Như vậy, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính với mức phạt tiền lên đến 50 triệu đồng hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù hoặc tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với mức phạt cao nhất là 03 năm tù.

Bảo Linh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích