Lợi ích áp dụng ISO 9001 vào lĩnh vực ngân hàng

Ảnh minh họa.

Tiêu chuẩn ISO 9001 nâng cao hiệu quả hoạt động cho ngân hàng

Tiêu chuẩn ISO 9001 được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) ban hành lần đầu vào năm 1987, trải qua nhiều phiên bản cải tiến, phiên bản mới nhất là ISO 9001:2015. Tiêu chuẩn này tập trung vào việc nâng cao hiệu quả các quy trình trong hệ thống quản lý chất lượng, nhằm đáp ứng và thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng và các bên liên quan khác.

Trong ngành ngân hàng, ISO 9001 đặc biệt quan trọng khi giúp các tổ chức cải thiện quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngày càng khốc liệt.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng thương mại quốc doanh đầu tiên xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 như một giải pháp quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, đảm bảo tính hệ thống, khoa học, nâng cao sức cạnh tranh và mang lại lợi ích thật sự cho ngân hàng. Quá trình xây dựng, áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng của BIDV theo ISO 9001 được thể hiện ở 3 giai đoạn từ năm 2005 đến nay ngân hàng đã đạt được những thành tựu đáng kể, luôn nằm trong danh sách những ngân hàng uy tín, đem lại trải nghiệm tích cực cho khách hàng.

Hay Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank), từ năm 2014 đã đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001. Hệ thống quản lý chất lượng tại HDBank đã hỗ trợ tích cực cho ngân hàng trong công tác quản lý, điều hành hệ thống, góp phần giúp HDBank đáp ứng các chuẩn mực theo Basel II của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tiếp tục đồng hành trong công tác nâng cấp áp dụng các tiêu chuẩn của Basel III. HDBank đã đáp ứng được tốt hơn các yêu cầu của khách hàng, nâng cao hơn chất lượng dịch vụ từ việc thay đổi diện mạo đến cải tiến quy trình phục vụ đạt chuẩn quốc tế.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng đã tổ chức Lễ đón nhận chứng chỉ ISO 9001:2015 về hệ thống quản lý chất lượng do Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá và cấp chứng nhận.

Tổng giám đốc SHB Ngô Thu Hà cho biết: “Với phương châm ‘Lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm’, SHB luôn sáng tạo, đổi mới, chú trọng chuyển đổi số, cải tiến quy trình, thủ tục nhanh gọn nhằm mang tới cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt nhất. Sự kiện đón nhận chứng chỉ ISO 9001:2015 là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của SHB trong việc cải tiến chất lượng dịch vụ và nâng cao hiệu quả quản lý. Sự công nhận này không chỉ là thành quả của một hành trình dài mà còn là động lực để chúng tôi tiếp tục phấn đấu vì một ngân hàng chất lượng, phục vụ khách hàng tốt hơn mỗi ngày”.

Lợi ích của việc áp dụng ISO 9001

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lợi ích của việc áp dụng ISO được thể hiện qua các nội dung sau:

Thứ nhất, lợi ích bên trong ngân hàng: Khi áp dụng mô hình quản lý theo các yêu cầu ISO 9001 ngân hàng có thể thực hiện các yêu cầu về chất lượng dịch vụ một cách hiệu quả và tiết kiệm, nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Và nhờ có hệ thống hồ sơ tài liệu chất lượng, ngân hàng có thể đưa ra các biện pháp làm việc đúng ngay từ đầu, có thể xác định đúng nhiệm vụ và chỉ ra cách thức thực hiện để đạt được kết quả đã định. Hệ thống hồ sơ có thể làm tài liệu để đào tạo huấn luyện nhân viên trong nội bộ mình và các bộ phận biết, để trao đổi, học được kinh nghiệm của nhau.

Thứ hai, lợi ích đối với ngân hàng: Trong giao dịch thương mại dịch vụ gần đây, đa số khách hàng lựa chọn dịch vụ hàng hoá có chất lượng, tức nhanh chóng thuận tiện, chính xác và hiện đại mà các yêu cầu này đã được thiết lập và kiểm soát khi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; trong nhiều trường hợp đứng trước nhiều ngân hàng, khách hàng sẽ chỉ lựa chọn ngân hàng nào có chất lượng cao.

Thứ ba, lợi ích cho phía khách hàng: Khách hàng của ngân hàng sẽ nhận được dịch vụ có chất lượng cao, có thể tin tưởng ở hệ thống đảm bảo chất lượng của ngân hàng đã được chứng nhận ISO; khách hàng có thể chọn giữa các ngân hàng cung cấp đang cạnh tranh với nhau, tạo lợi thế cho mình trong đàm phán; khách hàng có thể giảm chi phí cần thiết để đánh giá, tìm hiểu ngân hàng vì đã có một tổ chức thứ ba xem xét chứng nhận.

Thứ tư, lợi ích đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên: Đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngân hàng hiểu rõ hơn vai trò nhiệm vụ của mình nhờ vào hệ thống quy trình, thủ tục mà trong đó các nội dung công việc đã được được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, công khai; nhân viên mới có thể hiểu được công việc và cách làm việc ngay bởi vì mọi chỉ dẫn chi tiết công việc đã được ghi thành văn bản.

Với hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam như hiện nay, từ các quy định của Chính phủ, Luật Ngân hàng và các quy trình nghiệp vụ của từng ngân hàng thì việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 là không khó và ít chi phí, người quản lý của từng bộ phận nghiệp vụ và nhất là người lãnh đạo cao nhất sẽ nắm và quản lý hết được mọi công việc thông qua phân công nhiệm vụ và sổ tay kiểm soát chất lượng. Trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người trong hệ thống được quy định rõ ràng và nâng cao hơn. Đặc biệt mọi công việc sẽ được làm đúng ngay từ đầu, rủi ro được hạn chế trong từng giai đoạn của công việc, các bộ phận sẽ giám sát, học hỏi lẫn nhau.

Những lợi ích rõ ràng của việc áp dụng ISO 9001 cho ngành ngân hàng đã được chứng minh qua nhiều ví dụ thành công. Việc áp dụng tiêu chuẩn này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng mà còn đảm bảo sự hài lòng của khách hàng. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế rủi ro và tái cơ cấu ngân hàng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích