Ứng dụng công nghệ trong thu gom rác thông minh
6 năm là hành trình không đơn giản mà anh Nguyễn Trọng Minh – người sáng lập Grac vẫn giữ cho mình nhiệt huyết của những ngày đầu mà mỗi bước tiến, ý tưởng, dự án mới vẫn không ngừng được Grac thử nghiệm. Dự án mới nhất được Grac triển khai là Grac Green Point. Đây là mô hình thu gom rác tái chế cho chung cư, cửa hàng, trường học, tòa nhà, mở rộng ra các khu dân cư trong Thành phố.
Khi khách hàng mua sắm, họ có thể kiếm được điểm thưởng Grac từ việc đổi rác thải tái chế tích điểm hoặc tiền trên ứng dụng. Điểm thưởng có thể dùng mua hàng ngay tại cửa hàng hoặc bất kỳ đối tác nào của Grac. “Lãnh đạo UBND quận 8 rất quan tâm chương trình này. Một cuộc họp do Phó chủ tịch UBND quận 8 chủ trì với đại diện 16 phường cùng Grac để nhanh chóng thúc đẩy thực hiện thí điểm Green Point tại quận” – anh Minh hồ hởi khoe.
Mô hình này khá phổ biến tại Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia châu Âu. Trong đó, Nhật Bản nổi tiếng với hệ thống phân loại và tái chế rác thải nghiêm ngặt. Còn Thụy Điển có hệ thống tái chế tiên tiến với các điểm thu gom tại nhiều khu dân cư, trường học và trạm tái chế di động.
Một Grac Green Point thử nghiệm được đặt tại văn phòng Grac trong khu chung cư Sky Center (số 10 Phổ Quang, quận Tân Bình, TP.HCM).
Nhiều người phàn nàn dù họ có phân loại nhưng rác cũng được gom chung thì phân loại làm gì! “Nếu các điểm thu gom, phân loại rác được thành lập sẽ có nơi để mang rác đã phân loại đến, chắc chắn nhiều người sẽ tích cực phân loại rác hơn. Sau khi phân loại, rác được chuyển đến các đơn vị tái chế chuyên nghiệp” – anh Minh chia sẻ.
Grac đã học hỏi cách làm của một số nước, kêu gọi các chuỗi cửa hàng, trường học, tòa nhà… cùng đăng ký trở thành Grac Green Point.
Hiện với hai điểm Grac Green Point đầu tiên đã có, Grac đặt mục tiêu tăng lên 323 điểm vào năm 2025, thu gom gần 59.000 tấn rác thải nhựa mỗi năm. Đến 2030, số điểm Grac Green Point dự kiến nhân gấp 10, tức 3.230 điểm và thu khoảng 590.000 tấn rác thải nhựa mỗi năm.
Grac đã kết nối cùng các quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua để cung cấp giải pháp phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) hỗ trợ quản lý chủ nguồn thải (các hộ gia đình), khối lượng thải và thời gian thu gom. Họ cũng phát triển ứng dụng di động Grac để khuyến khích người dân tham gia phân loại rác thải trên Google Play và App Store.
Người dùng có thể đặt lịch thu gom các loại rác cồng kềnh hay gửi khiếu nại về tiền rác, thời gian thu gom, thậm chí báo cáo việc đổ trộm rác và tích lũy điểm thưởng khi tham gia. Điểm thưởng có thể được đổi thành sản phẩm, dịch vụ hoặc tiền mặt từ các đối tác của Grac.
Tính đến nay đã có khoảng 200 UBND các phường, xã tại Thành phố Thủ Đức cùng các quận 3, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận áp dụng công nghệ này với hơn 1 triệu chủ nguồn thải và hộ gia đình. Việc mở rộng kết nối vẫn đang được tiếp tục với kỳ vọng trong tương lai gần sẽ hoàn thiện số hóa dữ liệu giúp hình thành mạng lưới kết nối giữa hộ dân, đơn vị thu gom và chính quyền. Tiềm năng của công nghệ AI trong cải thiện hiệu quả quản lý rác thải nhựa còn rất lớn và hiện Grac đang tìm nhà đầu tư hỗ trợ phát triển dự án cho tầm nhìn Thành phố không rác này.
Theo tính toán, công nghệ AI có thể được áp dụng trong nhiều khía cạnh của quá trình quản lý rác thải từ việc thu gom, phân loại đến tái chế. AI có thể thu thập dữ liệu về lượng rác thải từ các nguồn khác nhau, từ đó phân tích xu hướng và dự đoán sự gia tăng của rác thải nhựa theo thời gian và địa điểm cụ thể. Ngoài ra, AI kết hợp với máy học có thể giúp hệ thống phân loại rác một cách chính xác hơn thay vì phụ thuộc vào con người. Nó có khả năng phân biệt nhựa với các loại rác khác bằng cách sử dụng thuật toán hình ảnh.
Mô hình này giúp quá trình quản lý rác thải trở nên hiệu quả hơn và có thể giúp giảm thiểu các vấn đề môi trường và sức khỏe con người được bảo vệ hơn. Cụ thể, sử dụng công nghệ AI trong quản lý rác thải giúp tối ưu hóa việc thu gom và xử lý rác thải, giảm thiểu khoảng thời gian không cần thiết và tăng cường tính chính xác trong quá trình phân loại rác thải.
Sử dụng công nghệ IoT giúp giám sát tình trạng đầy và trống của thùng rác, cung cấp thông tin chi tiết về lượng rác được tạo ra và tình trạng của thùng rác. Sử dụng tự động hóa giúp tăng tính hiệu quả và giảm thiểu can thiệp của con người trong quá trình xử lý rác thải, từ đó giảm thiểu nguy cơ tai nạn và tăng tính an toàn trong quá trình quản lý rác thải. Tổng hợp các công nghệ này vào một hệ thống duy nhất giúp quá trình quản lý rác thải trở nên thông minh hơn và hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu tác động xấu của rác thải đến môi trường và sức khỏe con người.
Thanh Hiền (t/h)