Phát triển du lịch hồ Hoà Bình “đe doạ” nguồn cấp nước sạch sông Đà?
(Xây dựng) – Khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình là vùng sinh thái, đảm trách chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng cấp điện, cấp nước, điều tiết lũ, bảo vệ nguồn nước… Quy hoạch và phát triển khu du lịch đặc biệt này nhưng phải đảm bảo các chức năng chính về hạ tầng nêu trên, đặc biệt đảm bảo cấp nước an toàn cho Hà Nội là vấn đề cấp thiết đặt ra.
Ảnh minh họa. |
Định hướng 4 khu vực phát triển du lịch
UBND tỉnh Hoà Bình vừa công bố Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình. Định hướng phát triển không gian được phân thành 6 phân khu và 4 khu vực phát triển du lịch tập trung, rộng 52.000ha.
Trong đó, phân khu 1, phát triển du lịch mang tính chất động và gắn với đô thị Hòa Bình, gắn kết hệ thống cảng Ba Cấp, Bích Hạ (thuộc thành phố Hòa Bình). Phân khu 2, phát triển du lịch sinh thái hồ, vui chơi giải trí nước Hiền Lương, Bình Thanh – Vây Nưa, gắn với cảnh quan sông Đà, hồ Hòa Bình (thuộc huyện Đà Bắc).
Phân khu 3, phát triển du lịch đồi núi cao phía Bắc và hồ Hòa Bình (thuộc huyện Cao Phong và Đà Bắc). Phân khu 4 là trung tâm của khu du lịch quốc gia, gắn với các hoạt động du lịch đặc trưng như: Trung tâm giới thiệu, trung tâm mua sắm, phố đi bộ, công gian chuyên đề, du lịch văn hóa tâm linh, sân khấu thực cảnh… (thuộc huyện Cao Phong và Tân Lạc).
Phân khu 5 phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với cảng Phúc Sạn và kết nối với khu du lịch Mai Châu (thuộc huyện Mai Châu). Phân khu 6 là khu vực thiên nhiên hoang dã phía Tây, trung tâm du lịch sinh thái tự nhiên gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh; kết nối với Mộc Châu (Sơn La) qua tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu để tạo thành cửa ngõ phía Tây của khu du lịch quốc gia (thuộc huyện Đà Bắc).
4 khu vực khu vực phát triển du lịch tập trung, gồm khu vực Hòa Bình – Thái Bình (thuộc phân khu 1); Khu vực Hiền Lương – Bình Thanh, Vầy Nưa (thuộc phân khu 2); Khu vực Đảo Sung – Ngòi Hoa – Thung Nai (thuộc phân khu 4); khu vực ven cảng Phúc Sạn (thuộc phân khu 5).
Thu hút hàng loạt dự án lớn
Với lợi thế về địa lý gần Hà Nội, địa hình cảnh quan đẹp, văn hoá đặc sắc, trong vài năm gần đây, Hoà Bình trở thành “điểm đến” thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt sau khi Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình được công bố.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 4/2021, khu vực vùng lõi hồ Hòa Bình có 51 dự án và đề xuất thực hiện dự án; trong đó, 19 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.515 tỷ đồng, đăng ký sử dụng trên 3.720ha đất và 32 đề xuất thực hiện dự án. Hiện, số dự án hoàn thành, hoạt động kinh doanh trên khu vực hồ Hòa Bình chiếm 19% tổng số dự án đã được cấp phép đầu tư.
Trong vài năm gần đây, Hòa Bình thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài lập dự án đầu tư phát triển du lịch, nghỉ dưỡng như: Khu nghỉ dưỡng Mai Đà Resort và dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Hiền Lương (Đà Bắc); khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình và Khu du lịch sinh thái Hồ Gươm Sông Đà (Tân Lạc); Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Hoàng Sơn (Lạc Sơn).
Tỉnh đang tập trung ưu tiên một số tập đoàn lớn như: Sun Group, Tân Hoàng Minh, FLC nghiên cứu, khảo sát, lập các dự án quy mô lớn, chất lượng cao tại Khu du lịch hồ Hòa Bình và huyện Kim Bôi, Lạc Sơn theo quy hoạch. Đặc biệt, Tập đoàn Tân Hoàng Minh được tỉnh Hòa Bình giao nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây quần thể nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực hồ Hòa Bình, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc. Với diện tích 355,97ha, tổng mức đầu tư 2.629 tỷ đồng, dự án gồm 2 khách sạn 5 sao và hơn 2.000 villa cùng nhiều tiện ích du lịch cao cấp để cho thuê ngắn hạn và 50 năm trên núi. Được biết, đây là dự án nghỉ dưỡng đầu tiên trong chuỗi dự án mà Tân Hoàng Minh đang nghiên cứu, đầu tư tại tỉnh này.
Bên cạnh các “ông lớn”, hàng loạt nhà đầu tư vừa và nhỏ cũng công bố đầu tư dự án, tập trung tại thành phố Hoà Bình, Lương Sơn, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Đà Bắc, Lạc Sơn… Tháng 4/2021, Công ty Cô phần Đầu tư Du lịch Hòa Bình ra mắt dự án Cullinan Hoa Binh Resort, ở khu vực hồ Hòa Bình, quy mô hơn 40 ha, với vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, gồm 256 căn biệt thự du lịch và 120 phòng nghỉ condotel. Tập đoàn Việt Mỹ M&A, chủ đầu tư dự án Ivory Villas & Resort Hòa Bình, diện tích 66ha, gồm 4 phân khu với 450 biệt thự cũng ra mắt thị trường.
Công ty Cổ phần Beru Group cũng đang triển khai dự án Parahills Hòa Bình Resort ở ven hồ Hòa Bình, xã Bình Thanh và xã Thung Nai, huyện Cao Phong, với tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, gồm 135 căn biệt thự và khối khách sạn… Dự án đầu tư Khu du lịch thiên nhiên Robinson triển khai tại đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc) do Công ty Cổ phần du lịch Hòa Bình làm chủ đầu tư, diện tích trên 40 ha, tổng vốn đầu tư được phê duyệt 279,764 tỷ đồng…
Nước thải, chất thải sẽ được xử lý ra sao?
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, du lịch phấn đấu trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn, xây dựng điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Phát triển theo hướng bền vững, gắn chặt với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường.
Theo quy hoạch, dân số dự báo của Khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình sẽ đạt 100.000 – 117.000 người vào năm 2030; đạt 130.000 – 145.000 người vào năm 2035. Quy mô khách du lịch đến năm 2030 khoảng 1,6 – 2 triệu lượt khách; đến năm 2035 khoảng từ 2,5 – 3 triệu lượt khách.
Như vậy, có thể thấy Hoà Bình đặt ra hai mục tiêu song song, đó là phát triển kinh tế từ du lịch nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường, trong đó có giữ gìn an toàn cấp nước cho Nhà máy nước Sông Đà. Tuy nhiên, đây là bài toán không đơn giản, bởi quy mô dân số tăng, khách du lịch tăng, kinh tế phát triển thì lượng nước thải, chất thải (gồm cả chất thải do con người thải ra) thải môi trường là rất lớn.
Trong Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình, vấn đề thoát nước thải và quản lý chất thải rắn được định hướng như sau: Thoát nước thải ở khu vực đô thị là xây dựng hệ thống thoát nước nửa riêng, hệ thống có các giếng tách nước thải đưa về trạm xử lý, xây dựng trạm xử lý công suất 6.000 – 8.000 m3/ngày, diện tích 1 -1,5ha. Các khu vực dân cư xã, cụm dân cư nhỏ: Xây dựng hệ thống thoát nước nửa riêng; xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học tự nhiên; quy mô nhỏ từ 7 – 20 m3/ngày/ trạm xử lý; diện tích 1.000 – 2.000m2/trạm.
Theo quy hoạch, nước thải sinh hoạt sau xử lý có giá trị C đạt cột A theo QCVN 14: 2008/BTNMT quy chuẩn quốc gia về nước thải sinh hoạt. Nước thải y tế phải được xử lý đạt loại A theo QCVN 28/2010/BTNMT trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước chung.
Chất thải rắn được phân loại tại nguồn, đồng thời bố trí các trạm trung chuyển chất thải rắn cỡ nhỏ, cố định chính thức, quy mô 500m2 tại các trung tâm xã, cụm dân cư tập trung. Chất thải rắn tập trung tại trạm trung chuyển không quá thời gian 2 ngày (48h) được thu gom về khu xử lý của các huyện. Đồng thời, xây mới khu xử lý phục vụ khu vực lòng hồ sông Đà tại xóm Tiện, xã Thung Nai, có diện tích 3ha, công suất 50 tấn/ngày. Hạn chế chôn lấp, phân loại để tái chế, tái sử dụng và ủ phân vi sinh.
Dư luận lo ngại rằng: Phát triển du lịch để phát triển kinh tế là đúng đắn, định hướng quy hoạch là như vậy nhưng nếu không có sự đầu tư bài bản, đồng bộ hạ tầng xử lý nước thải và chất thải, không ban hành quy định chặt chẽ ngay từ đầu, thì toàn bộ lượng nước thải, chất thải khổng lồ (gồm cả chất thải từ con người) sẽ đổ vào lòng hồ sông Đà, gây nguy cơ ô nhiễm lớn, mất an toàn cho nguồn cấp nước nhà máy nước sạch Sông Đà, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của người dân?
Nguồn: Báo xây dựng