Khám phá làng nghề thúng chai Phú Mỹ
Một thời vàng son
Là người dân đã gắn bó với nghề làm thúng chai hơn 20 năm tại thôn Phú Mỹ, chị Trương Thị Bích Kiều cho biết, các thế hệ trong gia đình chị đều được ông bà, cha mẹ truyền nghề lại. Sau khi chị lập gia đình, chồng chị đã học làm nghề thúng chai và cùng chị lưu giữ và phát triển nghề truyền thống này suốt bao nhiêu năm qua. Với người phụ nữ này, đằng sau những chiếc thúng chai giản dị đó không chỉ là ánh huy hoàng, tinh hoa một nghề truyền thống, mà còn là ký ức về quê hương và người thân của chị.
Hồi tưởng lại quá khứ, chị Kiều cho biết, thời vàng son, thôn Phú Mỹ có khoảng 50 hộ gia đình mưu sinh bằng nghề đan thúng chai. Nguyên liệu chính để làm thúng chai là tre. Nguyên liệu phụ là phân bò và dầu rái, giúp kết dính, chống thấm nước cho thúng.
Khách du lịch thích thú tham quan làng nghề. |
Trong các công đoạn làm thúng chai thì trét dầu rái được coi là công đoạn quan trọng nhất, vì nó quyết định sự thành bại của sản phẩm, giúp nâng tuổi thọ của một chiếc thúng chai lên đến 12-15 năm. Dầu rái là hỗn hợp từ bột cây chai trộn với dầu hỏa (đây chính là nguồn gốc tên gọi của “thúng chai”), được trét lên thúng chai để bảo vệ và chống thấm (trong quét 3 lớp, ngoài 2 lớp).
Qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công, thuyền đan xong phải được chống thấm bằng dầu rái và phân bò tươi. Đây là công đoạn rất quan trọng, vì nếu bôi không khéo thì thúng sẽ bị thấm nước, mỗi lớp bôi trét là mỗi lần phơi nắng. Trọng lượng của mỗi chiếc thúng chai bình quân gần 1 tạ.
“Thời hoàng kim của nghề, gia đình tôi và các hộ dân khác mỗi tháng kiếm được tiền khá lắm. Bây giờ, nghề bị mai một vì cực khổ, thu nhập thấp, nên lớp trẻ không ai theo nghề.Vợ chồng tôi giữ nghề này được chừng nào thì giữ tới chừng đó”, chị Kiều nói.
Liên tục bôi lớp dầu rái vào thúng để phơi cho kịp nắng, chị Kiều cười giòn: “Cực vậy đó, mà không bỏ được. Đôi lúc cũng có nhiều du khách đi ngang qua xin chụp ảnh và làm thử vài công đoạn. Thấy họ mê mẩn ngồi xem, chúng tôi vui lắm!”.
Chinh phục xứ người
Thôn Phú Mỹ cũng là một trong các thôn ở Huyện Tuy An từng được nhiều doanh nghiệp du lịch đánh giá có sức hút phát triển du lịch cộng đồng, với khung cảnh làng quê bình yên, nên thơ cùng làng nghề đan thúng chai truyền thống đã hàng trăm năm tuổi.
Thời gian gần đây, khi du lịch đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhiều du khách trong và ngoài nước cũng đã tìm về đây thưởng thức không khí trong lành và trải nghiệm nghề đan thúng này.
Theo bà Phan Thị Hồng Tuyết – Phó Chủ tịch UBND xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, hiện nay chỉ còn khoảng 10 hộ dân làm nghề đan thúng chai truyền thống.
Làng nghề đang dần mai một vì sự ra đời của thuyền thúng composite. Tuy nhiên, để lưu giữ và phát triển làng nghề, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân từng bước xây dựng, phát triển nghề theo hướng khởi sắc hơn.
Hiện nay, địa phương phối hợp với các hộ dân tiến hành xúc tiến, quảng bá các sản phẩm thúng chai đến gần người tiêu dùng và du khách hơn.
Nếu như trước đây, thuyền thúng chủ yếu phục vụ ngư dân đi biển câu mực, khai thác, đánh bắt hải sản thì hiện nay, loại phương tiện này còn được nhiều nơi đưa vào khai thác du lịch. Nhờ vậy, đầu ra của người làm nghề cũng hứa hẹn hơn.
Chia sẻ trong hào hứng, chị Trương Thị Bích Kiều cho hay, từ khi được chính quyền địa phương quan tâm, gia đình chị và các hộ dân làm nghề khác đã vững tin tìm đường xuất ngoại: “Gia đình chúng tôi đã ký hợp đồng với một số công ty chuyên xuất khẩu đồ truyền thống, trong đó có thúng chai, chủ yếu phục vụ cho ngành du lịch sang các nước Hà Lan, Trung Quốc, Singapore, Úc. Trung bình mỗi tháng cơ sở vừa cung cấp cho công ty xuất khẩu, vừa bán khách hàng lẻ trong nước dao động từ 20 – 40 chiếc, với giá dao động từ 1,3 – 5 triệu đồng/thúng (tùy loại).
Chị Kiều cho biết thêm, mỗi lần đến, sau khi trải nghiệm, khách du lịch cũng biếu các hộ dân giữ nghề vài trăm nghìn. Chị Kiều cho rằng, đây có thể là tín hiệu tốt về việc gìn giữ nghề cổ truyền của cha ông để phục vụ du lịch.
Hy vọng trong tương lai gần, người dân thôn Phú Mỹ nhận thức thực sự được giá trị nguyên bản cổ truyền của nghề đan thúng chai truyền thống để có biện pháp kịp thời nhằm tôn vinh giá trị nghệ thuật của loại sản phẩm độc đáo này. Bởi vì, biển ở đó, nghề biển vẫn còn, ngư dân tiếp tục bám biển, thì nghề đan thúng chai sẽ vẫn hoạt động ở những làng biển.
Cũng theo các ngư dân, thúng chai gắn bó với ngư dân từ bao đời nay. Đó là phương tiện đi lại trên đầm, vịnh và vùng biển ven bờ để ném chài, giăng lưới đánh cá, chuyển tải vật dụng từ bờ ra tàu đánh cá và là ngư cụ hỗ trợ trên những chuyến tàu vươn ra khơi xa để ngư dân câu mực làm mồi câu cá, câu tôm…
Đến thời điểm hiện tại, huyện Tuy An đã xây dựng và phát triển được 12 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao và 11 sản phẩm 3 sao. Qua quá trình khảo sát, huyện Tuy An đang lên kế hoạch đưa sản phẩm thúng chai tiếp tục trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Việc đưa sản phẩm OCOP vào giới thiệu tại các sự kiện văn hóa, du lịch sẽ kết nối trực tiếp từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng cũng như nâng tầm giá trị cho sản phẩm.
Để chắp cánh cho làng nghề vươn xa, vươn cao, vẫn cần có sự quan tâm, liên kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với cá nhân, tổ chức kinh doanh và người thợ sản xuất thúng chai.
Hương Thảo
Nguồn: Báo lao động thủ đô