Khơi thông nguồn lực đất đai, hiện thực hóa tầm nhìn phát triển đất nước
Những năm qua, ngành Quản lý đất đai đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách pháp luật đất đai, từng bước hoàn thiện các công cụ quản lý Nhà nước về đất đai.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Hướng tới mục tiêu tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai cho phù hợp hơn với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường sự công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý, sử dụng đất; đẩy mạnh cải cách hành chính; xã hội hóa và nâng cao chất lượng hoạt động của các dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai, những năm qua, ngành Quản lý đất đai đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách pháp luật đất đai và từng bước hoàn thiện các công cụ quản lý Nhà nước về đất đai phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường hiện đại.
Minh chứng rõ nét nhất là việc Luật Đất đai sửa đổi 2024 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Hoàn thiện chính sách pháp luật
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, 79 năm qua kể từ khi thành lập ngành Quản lý đất đai (3/10/1945-3/10/2024), công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy tiềm năng, nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2030 và đến năm 2045 là yêu cầu đặt ra đối với toàn ngành trong giai đoạn phát triển mới.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV, Luật Đất đai sửa đổi đã được thông qua ngày 18/1/2024 gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Đây là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.
Luật Đất đai năm 2024 có những điểm mới bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và được cụ thể hóa như chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền lựa chọn của đơn vị sự nghiệp công lập; quy định về nhận chuyển nhượng đất lúa…
Để hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, tính đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã ban hành 7 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024. Trong đó, có Nghị định 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 quy định về giá đất; Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 101/NĐ-CP ngày 29/7/2024 quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai…
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành 5 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật quy định về: thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cá nhân hành nghề tư vấn; khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất.
Khu đất vòng xoay cồn Cái Khế có diện tích hơn 23.000m2 sẽ được đấu giá cho thuê đất thương mại, dịch vụ trong thời hạn 50 năm. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN) |
Nhằm đẩy nhanh việc triển khai Luật Đất đai 2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết thời gian qua, Bộ liên tục phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan và các địa phương trong để tập huấn chuyên sâu, cùng nắm bắt tình nắm bắt tình hình triển khai thi hành để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện Luật.
Cụ thể, đầu tháng 9/2024, Bộ cũng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến cho 63 tỉnh, thành các quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024, trong đó có Nghị định số 71/2024 quy định về giá đất. Gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 6520/BTNMT-ĐĐ gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Đến nay các văn bản hướng dẫn triển khai cũng đã khá đầy đủ, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, việc điều chỉnh, bổ sung ngay sau khi chính sách vừa được ban hành cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng tính ổn định của hệ thống pháp luật, tránh tác động không mong muốn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân và dư luận trong, ngoài nước, môi trường đầu tư kinh doanh…
Đối với các địa phương, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị trong quá trình điều chỉnh, xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 cần xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ; cần phải phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành, xem xét giá đất trong bảng giá đất so với mặt bằng giá đất tại địa phương. Đồng thời, đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đối với đối tượng áp dụng, có lộ trình phù hợp, mức tăng phù hợp với từng khu vực, vị trí, loại đất.
Để Luật Đất đai sửa đổi 2024 sớm đi vào cuộc sống
Để Luật Đất đai sửa đổi 2024 sớm đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị, ngành Quản lý đất đai cần tập trung tổng kết đánh giá thực tiễn, đề xuất hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường hiện đại, đồng bộ, hội nhập, bảo đảm công khai, minh bạch và tổ chức thực thi hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Đồng thời, xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đồng bộ, khả thi, định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn, kết nối chặt chẽ với quy hoạch không gian biển để tạo sự liền mạch, khai thác tốt không gian ngầm và chiều cao.
Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại và hiệu quả trên nền tảng hệ thống thông tin đất đai thống nhất, đa mục tiêu, quản lý đến từng thửa đất và phát triển đội ngũ công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực đổi mới, sáng tạo, phẩm chất đạo đức tốt phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thời gian tới, để tổ chức thi hành Luật bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đoàn Thị Thanh Mỹ đề nghị, các đơn vị trong ngành Quản lý đất đai (gồm Vụ Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai) cần xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành.
Đồng thời, cần thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật.
Ngoài ra, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cũng đề xuất các bộ, ngành ban hành Thông tư liên quan đến Luật Đất đai sửa đổi với những quy định, hướng dẫn cụ thể hơn; làm rõ trách nhiệm từng bộ, ngành để người dân giám sát… Đặc biệt, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong thi hành pháp luật./.
Nguồn: Báo xây dựng