Đổi mới ngành xây dựng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và tiêu chuẩn phù hợp
Theo ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng, thời gian qua nhiều nghiên cứu và ứng dụng khoa học đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng trong quản lý xây dựng. Các lĩnh vực nghiên cứu tiêu biểu bao gồm mô hình thông tin công trình (BIM), công nghệ in 3D trong chế tạo vật liệu xây dựng, và công nghệ thực tế ảo (VR) trong giảng dạy.
Phân tích kỹ hơn về BIM, PGS. TS. Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, BIM đã chứng minh được vai trò của mình trong việc cải tiến quy trình xây dựng.
Từ BIM với khả năng tạo ra các mô hình 3D chi tiết giúp các nhà quản lý dễ dàng phát hiện các lỗi kỹ thuật hoặc xung đột tiềm ẩn giữa các hệ thống kỹ thuật trong công trình.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng công nghệ này tạo ra những bước tiến lớn trong quản lý xây dựng và quy hoạch đô thị. Ví dụ như tại Vương quốc Anh, việc áp dụng BIM đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong các dự án công trình xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước từ năm 2016.
Điều này cho thấy BIM không chỉ là công cụ công nghệ, mà còn là chiến lược quản lý hiệu quả để nâng cao chất lượng công trình, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hiệu quả.
Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao, Bộ Xây dựng đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) ngành xây dựng đến năm 2030. Theo chiến lược này, Bộ sẽ tập trung vào các mục tiêu quan trọng như làm chủ thiết kế và thi công các công trình quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tiết kiệm năng lượng và tài nguyên và phát triển các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, hiệu quả và bền vững, cũng như ứng dụng vật liệu tái chế trong công trình xây dựng. Cùng với đó, các quy định về quản lý đô thị, kiến trúc đô thị và nông thôn cũng sẽ được hoàn thiện theo hướng bền vững và hiện đại.
Theo TS. Vũ Văn Dũng – Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vật liệu xây dựng là xu hướng quan trọng để đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tính bền vững của các công trình. Những nghiên cứu tiên tiến như sử dụng công nghệ in 3D trong chế tạo bê tông, tái sử dụng tro bay nhiệt điện trong sản xuất vật liệu xây dựng, và sử dụng thạch cao photpho trong sản xuất phụ gia xi măng đã mang lại nhiều triển vọng.
Việc tăng cường thử nghiệm trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và vật liệu cho các công trình xanh cũng đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững, giúp bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đặt ra mục tiêu nghiên cứu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để hoàn thành việc biên soạn bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng theo lộ trình đã được phê duyệt. Đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực KHCN có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Xây dựng.
TS. Nguyễn Hồng Hải – Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về xây dựng có hơn 1600 tiêu chuẩn, Bộ Xây dựng chia làm 11 lĩnh vực đối tượng chính.
Theo đó, để ĐMST trong hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn lĩnh vực xây dựng theo hướng phát triển bền vững, cần tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an toàn – năng suất – chất lượng – hiệu quả; thường xuyên đổi mới, cập nhật hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn phù hợp với thực tiễn…
Bên cạnh các công nghệ vật liệu và tiêu chuẩn xây dựng, việc ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quy hoạch cũng là một bước tiến quan trọng. TS. Nguyễn Trung Dũng – Giám đốc Trung tâm Thông tin, Hợp tác quốc tế và Đào tạo, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng, nhấn mạnh rằng cần luật hóa việc xây dựng cơ sở dữ liệu và yêu cầu bắt buộc áp dụng GIS trong các đồ án quy hoạch quan trọng. Ứng dụng GIS sẽ giúp tối ưu hóa quy trình lập quy hoạch, tăng cường sự minh bạch và chính xác trong quản lý đô thị và nông thôn.
Sự đổi mới sáng tạo trong ngành xây dựng, từ ứng dụng BIM, phát triển vật liệu xây dựng mới đến việc áp dụng GIS trong quy hoạch, đang tạo ra những bước tiến mạnh mẽ. Định hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030 của Bộ Xây dựng không chỉ giúp ngành đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, đồng thời góp phần vào mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 của Chính phủ.
Duy Trinh (t/h)