Giá vàng liệu có còn tăng sốc?

Thời gian vừa qua, giá vàng trong nước và thế giới ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ khi liên tiếp thiết lập nhiều mốc kỷ lục mới.

Theo đó, giá vàng nhẫn đã vượt đỉnh lịch sử 83,5 triệu đồng/lượng. Mỗi lượng vàng nhẫn đã tăng khoảng 20 triệu đồng so với đầu năm, tương đương mức sinh lời trên 31%.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay cũng từng cán mốc 2.685 USD/ounce – cao nhất từ trước đến nay. Kể từ đầu năm, giá kim loại quý đã tăng mạnh hơn 29%.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 1/10, giá vàng có dấu hiệu giảm nhiệt. Giá vàng nhẫn trong nước quay đầu giảm đến 750 nghìn đồng/lượng, đưa mức giá xuống còn 82,9 triệu đồng/lượng. Đồng thời, giá vàng thế giới hiện cũng chỉ giao dịch ở mức 2.646 USD/ounce, thấp hơn 39 USD/ounce so với mức đỉnh trước đó.

Giá vàng liệu có còn tăng sốc?
Giá vàng thế giới tuần qua.

Dự đoán về giá vàng, theo kết quả khảo sát của Kitco News, tỷ lệ các chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ tăng/giảm trong tuần này là ngang bằng nhau. Trong khi đó, phần lớn các nhà đầu tư bán lẻ vẫn lạc quan về giá kim loại này.

Cụ thể, trong số 14 nhà phân tích từ Phố Wall tham gia khảo sát, có 6 chuyên gia (43%) dự báo giá vàng tăng trong tuần này, 6 người khác nhận định giá sẽ giảm. Hai nhà phân tích còn lại (14%) tin rằng giá vàng sẽ có xu hướng đi ngang.

Ở diễn biến khác, kịch bản lạc quan hơn ghi nhận ở 192 nhà đầu tư bán lẻ trên Main Street. 120 nhà giao dịch (62%) dự kiến giá vàng tăng trong tuần này, 38 người khác (20%) cho rằng kim loại màu vàng sẽ giao dịch ở mức giá thấp hơn. Ngoài ra, 34 người trả lời còn lại (17%) nhận thấy giá sẽ ổn định.

Darin Newsom, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Barchart đánh giá, vàng có thể tiếp tục xu hướng tích cực cho đến khi bị tác động. Những yếu tố có thể tạo lực cản cho đà tăng giá của kim loại quý là hoạt động của nhà đầu tư. Tuy nhiên, với biến động địa chính trị gia tăng, các nhà đầu tư vẫn sẽ coi vàng như một thị trường trú ẩn an toàn.

Đồng quan điểm, Phillip Streible, chiến lược gia thị trường của Blue Line Futures cho rằng: “Mức 3.000 USD/ounce trong năm nay là hoàn toàn có thể. Có rất nhiều thứ có thể khiến giá tăng”. Ông nhận định, những yếu tố như: Các cuộc đàm phán hòa bình ở Trung Đông thất bại, thị trường lao động Mỹ có thể tiếp tục yếu đi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và Trung Quốc có thể đưa ra thêm nhiều biện pháp kích thích… sẽ hỗ trợ thị trường vàng.

Ở chiều ngược lại, Daniel Pavilonis, nhà môi giới hàng hóa cao cấp tại RJO Futures dự đoán giá sẽ giảm.

“Tôi nghĩ chúng ta đang hướng đến việc chốt lời”, Pavilonis nhận xét. “Chúng ta không biết cuộc bầu cử sẽ diễn ra như thế nào. Nếu bạn nhìn vào cấu trúc thị trường, có vẻ vàng tiếp tục tăng lên đến 3.000 USD, nhưng tôi nghĩ hiện tại có rất nhiều trở ngại”.

Ngoài các yếu tố vĩ mô, Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank cũng dự báo vàng có thể giảm. “Giá vàng sẽ giảm vì đợt tăng giá vừa qua do FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) và các nhà giao dịch sử dụng đòn bẩy qua công cụ phái sinh”, Hansen nhận xét.

Ông nói thêm: “Trong ngắn hạn, nhu cầu vàng vật chất có khả năng sẽ thấp cho đến khi các nhà đầu tư thích nghi với mức giá mới rất cao này”.

Trong khi đó, Adrian Day, Chủ tịch của Adrian Day Asset Management nhận định giá sẽ không thay đổi. “Đã đến lúc giá sẽ tạm dừng sau đợt tăng mạnh. Điều này cũng thường xảy ra sau khi kết tác động từ đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed giảm dần”, ông Day nói.

Tuệ Lâm

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích