Sắp công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030

(Xây dựng) – Quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 891/QĐ-TTg, ngày 22/8/2024. Ngày mai (3/9), Bộ Xây dựng sẽ chính thức công bố Quy hoạch này.

Sắp công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn chỉ rõ định hướng về đô thị, nông thôn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia… (Ảnh minh họa)

Ngày 22/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch có phạm vi bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo, lòng đất, vùng biển, vùng trời Việt Nam.

Quy hoạch được xây dựng dựa trên cơ sở Luật Quy hoạch 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch 2018; Luật Quy hoạch đô thị 2009; Luật Xây dựng 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2020; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó là Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/1/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 294/QĐ-TTg ngày 24/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Quy hoạch hướng đến các mục tiêu đến năm 2030, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển, sắp xếp, phân bố hệ thống đô thị và nông thôn thống nhất, hiệu quả, toàn diện, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển, có môi trường sống lành mạnh, có khả năng chống chịu, thích ứng nước biển dâng, biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường và giảm phát thải.

Phát triển bền vững hệ thống đô thị theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực có kiến trúc hiện đại, xanh, bản sắc; Phát triển các đô thị là “trung tâm” chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, đầu mối giao thông, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội, làm động lực phát triển kinh tế các vùng đô thị tạo hiệu ứng “tích tụ”, “kết nối” và “liên kết” chặt chẽ với nông thôn tại các vùng trên địa bàn cả nước; tăng cường hợp tác quốc tế; chất lượng sống tại các đô thị ở mức cao…

Tầm nhìn đến 2050, hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Nông thôn có môi trường sống kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị, văn minh, xanh, sạch, đẹp giàu bản sắc văn hóa dân tộc với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận với đô thị.

Về chỉ tiêu phát triển đô thị, nông thôn, hệ thống đô thị sẽ có tỷ lệ đô thị hoá đạt trên năm 2030 là 50%; năm 2050 chỉ tiêu là 70%. Số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 – 1.200 đô thị. Với hệ thống nông thôn, cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; phấn đấu 100% huyện có đô thị.

Định hướng phát triển hệ thống đô thị sẽ dựa trên định hướng tổ chức không gian. Phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo mô hình mạng lưới; tạo thành hình thái không gian kết nối chuỗi, dải và chùm đô thị, được phân bố hợp lý theo các vùng miền. Hệ thống đô thị sẽ bao gồm: Mạng lưới đô thị quốc gia, các đô thị trung tâm cấp quốc gia, đô thị trung tâm cấp vùng, 4 vùng đô thị (Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng Đà Nẵng, Vùng Cần Thơ); hệ thống đô thị trung tâm quốc gia (đô thị loại đặc biệt và loại I)…

Hệ thống đô thị trung tâm cấp vùng là các đô thị loại đặc biệt, I, II, III được quy hoạch trong giai đoạn 2023 – 2030; hệ thống đô thị trung tâm cấp tỉnh, huyện. Đô thị trung tâm chuyên ngành cấp quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, đô thị cấp vùng tại các thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó còn có đô thị trung tâm cảng – dịch vụ logistic cấp quốc gia và cấp vùng; đô thị trung tâm công nghiệp, đổi mới sáng tạo; đô thị trung tâm tri thức, đào tạo, khoa học công nghệ; đô thị trung tâm du lịch, văn hóa, di sản.

Hệ thống khu dân cư nông thôn được định hướng chú trọng việc xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hóa; có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn và tổ chức sản xuất hợp lý, tạo sinh kế bền vững cho người dân thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xã hội nông thôn ổn định, dân trí được nâng cao; an ninh, trật tự được bảo đảm.

Ngoài ra, Quy hoạch định hướng tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia, nhấn mạnh liên kết đô thị – nông thôn. Đó là xây dựng các vùng đô thị lớn, đô thị lớn và cực lớn ở miền Bắc, miền Trung, phía Nam trở thành các cực tăng trưởng chủ đạo quốc gia và thúc đẩy liên kết đô thị – nông thôn với phát triển các ngành như giao thông, nông nghiệp phát triển nông thôn, dịch vụ, thương mại, công nghiệp…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích