Hội Người mù huyện Trực Ninh – Nơi thắp sáng niềm tin
Chủ tịch Hội Người mù huyện Trực Ninh Nguyễn Thị Nhâm (ngồi bên trái ảnh) cùng những người giúp việc trao đổi, triển khai kế hoạch công tác tại trụ sở Hội Người mù huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định – Ảnh: Hồ Thanh
Chị Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội Người mù huyện Trực Ninh (Nam Định) cho biết: Toàn huyện có 162 hội viên người mù, trước đây sản xuất tăm tre là một trong những nghề kiếm sống phù hợp với người khiếm thị nhưng nay đang gặp khó khăn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm tăm tre dựa vào sự ủng hộ của các cơ quan, trường học nên không ổn định, mức thu nhập của người khiếm thị làm nghề này chỉ hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Chính vì vậy những lao động trước kia sống dựa vào nghề làm tăm tre đã được Hội Người mù huyện Trực Ninh tạo điều kiện cho đi học nghề xoa bóp bấm huyệt (XBBH) hoặc được vay vốn để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, Hội Người mù huyện tích cực cử hội viên đi học tin học văn phòng, chữ nổi Braille tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (Hội Người mù tỉnh). Nhờ vậy đến nay Hội Người mù huyện Trực Ninh đã có 95% cán bộ, hội viên thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh, 40% sử dụng thành thạo chữ nổi Braille.
Tranh thủ các nguồn vốn từ chương trình Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Hội Người mù huyện Trực Ninh đã cho hội viên vay tổng cộng 196 triệu đồng, lãi suất 0,96% một năm. Các hội viên được vay vốn đã đầu tư mở rộng nghề XBBH và chăn nuôi lợn nái. Bên cạnh nghề mũi nhọn XBBH dành cho hội viên trẻ, có sức khỏe, nhiều hội viên già yếu vẫn nỗ lực làm nghề tăm tre, chăn nuôi, trồng trọt cùng với gia đình. Hiện nay, trên địa bàn huyện Trực Ninh đang có 6 cơ sở XBBH của hội viên người mù, tạo việc làm ổn định với mức thu nhập từ 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng. Điển hình nhất là chị Nguyễn Thị Nhung, hội viên Hội Người mù huyện Trực Ninh, chủ cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, phục hồi chức năng Hồng Nhung tại số nhà 242, đường Trần Phú, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh đã tạo việc làm ổn định cho bản thân và những người có chung cảnh ngộ với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Trao đổi, nâng cao tay nghề XBBH tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, phục hồi chức năng Hồng Nhung (số nhà 242, đường Trần Phú, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) – Ảnh: Hồ Thanh
Điều đáng được ghi nhận ở Hội Người mù huyện Trực Ninh là luôn tâm huyết rà soát, lập danh sách từng hội viên người mù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có kế hoạch giúp đỡ, vận động quyên góp, kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp họ nâng cấp, sửa chữa, xây dựng nhà ở. Tháng 8-2024 vừa qua, Hội Người mù Việt Nam đã hỗ trợ 50 triệu đồng cho hội viên Trần Thị Thu Hà (thôn Bình Nương, thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh) là phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng căn nhà mới. Hòa thượng Thích Tâm Vượng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Trực Ninh, trụ trì chùa Cổ Lễ (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh) đã phát tâm hỗ trợ gia đình hội viên người mù Trần Thị Thu Hà 40 triệu đồng.
Nguồn: hoanhap.vn