Ẩn họa từ rượu ngâm không rõ nguồn gốc
Mới đây, Trạm Y tế xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang tiếp nhận bệnh nhân S.V.P., sinh năm 1967, trú tại thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú trong tình trạng mồm miệng, tay chân co cứng, vã mồ hôi, gọi hỏi lơ mơ không trả lời được. Ngay sau đó, bệnh nhân được thở ô xy, truyền dịch, hỗ trợ vitamin, xoa bóp làm mềm cơ và theo dõi các chỉ số sinh tồn. Khai thác thông tin từ người nhà, bệnh nhân cùng con trai lấy rượu xoa bóp ngâm cây thuốc nam không rõ nguồn gốc để uống (2 chén nhỏ khoảng 40ml). Sau uống khoảng hơn 2 giờ, bệnh nhân có các biểu hiện trên.
Một trường hợp khác, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cẩm Khê, Phú Thọ tiếp nhận bé gái 41 tháng tuổi (trú tại huyện Yên Lập, Phú Thọ) do ngộ độc rượu. Gia đình bệnh nhi cho hay, cách thời điểm nhập viện khoảng 3 tiếng, bé ở nhà với bà và anh trai 7 tuổi. Khi bà làm việc nhà, hai anh em cùng nhau uống 1/3 chai rượu ngâm cây gió cùng mật ong. Sau uống, bé gái có biểu hiện nôn, tím tái, vã mồ hôi, gia đình nhanh chóng đưa bé nhập viện.
Thực tế, thời gian qua, một số địa phương đã ghi nhận nhiều vụ ngộ độc rượu. Điển hình, tại Lạng Sơn, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 2 bệnh nhân nam (Văn Quan, Lạng Sơn) vào viện trong trạng thái co giật, hôn mê sâu và ngừng thở.
Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Trước đó, 2 bệnh nhân uống rượu ngâm rễ cây (nghi ngờ là rễ cây hồi, gia đình sử dụng để xoa bóp). Sau uống, hai bệnh nhân xuất hiện kích thích, co giật, gọi hỏi không trả lời kèm tím tái toàn thân. Các bác sĩ chẩn đoán tình trạng ngộ độc cấp tính, diễn biến phức tạp, nguy cơ tử vong cao.
Tại Lào Cai, vụ ngộ độc rượu ngâm rễ cây (cây Tẩu Hỏa Hảng) xảy ra trong bữa ăn sáng do gia đình ông H.S.S. ở xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai tổ chức. Trong 3 người uống rượu ngâm rễ cây, ông V.S.C. có biểu hiện đau bụng, vã mồ hôi, buồn nôn, buồn đi đại tiện, người mệt mỏi, chóng mặt, rét run.
Ông C. được đưa vào bệnh viện huyện, được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp, sốc tim, ngộ độc rượu ngâm rễ cây không rõ loại, hạ kali máu, suy thận cấp. Ngay sau đó, ông C. được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Hai người khác cũng có biểu hiện vã mồ hôi, đau bụng, chóng mặt. Tuy nhiên, do sơ cứu kịp thời nên tình trạng không nguy kịch và không phải nhập viện. Qua điều tra cho thấy, đây là loại rượu được người nhà ông S. mua ở chợ với mục đích xoa bóp ngoài da để chữa trật khớp nhưng do không biết nên đã mang ra uống.
Trước đó, tại Thường Tín, Hà Nội cũng xảy ra vụ ngộ độc rượu sau tiệc cưới. Trong 5 người bị ngộ độc nặng có 1 ca tử vong tại nhà sau khi có triệu chứng đau bụng, nôn ra máu 2 lần. 4 người còn lại được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai với triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu.
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết, mỗi năm có tới gần 300 triệu lít rượu thủ công được tung ra thị trường với tình trạng không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không công bố chất lượng. Bất chấp nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước từ cấp Trung ương tới địa phương, việc quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu thủ công vẫn là nhiệm vụ bất khả thi, làm thất thu nguồn thuế rất lớn cho Nhà nước, làm tăng chi phí chăm sóc y tế cũng như thiệt hại về tính mạng và tăng nguy cơ mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp methanol đã đến mức “báo động”. Trung tâm thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh đến viện đều rất nặng, hôn mê, có tổn thương não, nồng độ cồn methanol trong máu rất cao và đã có trường hợp tử vong. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo: về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn.
Thanh Hiền (t/h)