Ngày đầu triển khai cao điểm, vẫn còn nhiều phụ huynh, học sinh vi phạm luật giao thông

Còn nhiều vi phạm

Từ 6h30, trên đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), cùng với các đơn vị khác của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội, Đội CSGT đường bộ số 4 ra quân triển khai Kế hoạch cao điểm bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh.

Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh đưa đón con em đến trường THCS Tô Hoàng điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm TTATGT; hành vi chủ yếu là chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm.

Ngày đầu triển khai cao điểm, vẫn còn nhiều phụ huynh, học sinh vi phạm luật giao thông
Tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 4 ra quân triển khai Kế hoạch cao điểm bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh.

Tổ công tác đã phát hiện, xử lý hàng loạt trường hợp học sinh, phụ huynh không đội mũ bảo hiểm. Theo Kế hoạch cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh của Cục CSGT, việc phụ huynh không đội mũ bảo hiểm sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm.

Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Trần Văn Hưng – cán bộ Đội CSGT đường bộ số 4, cho biết, việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đối với các phương tiện xe máy, xe đạp điện là rất quan trọng. Nhưng hiện nay, tình trạng phụ huynh, học sinh điều khiển xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm khi đến trường vẫn còn diễn ra phổ biến. Hành vi này không chỉ nguy hiểm, mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Tổ công tác sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Ngày đầu triển khai cao điểm, vẫn còn nhiều phụ huynh, học sinh vi phạm luật giao thông
Nhiều phụ huynh đến đưa đón con không đội mũ bảo hiểm.

Thông tin với phóng viên, Trung tá Trần Ngọc Trung – Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 4, cho biết, Đội vẫn thường xuyên triển khai cán bộ tuần tra, ứng trực tại khu vực các trường học để nhắc nhở, tuyên truyền đến phụ huynh cũng như học sinh trong việc điều khiển phương tiện đúng Luật Giao thông đường bộ. Ngoài việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đơn vị thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến học sinh như: Điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, không chấp hành hiệu lệnh đèn, đặc biệt xử lý nghiêm những trường hợp phụ huynh chở con đi học không đội mũ bảo hiểm vi phạm hoặc các hành vi vi phạm khác.

Ngày đầu triển khai cao điểm, vẫn còn nhiều phụ huynh, học sinh vi phạm luật giao thông
Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT vẫn diễn ra phổ biến.

Bên cạnh đó, 10 tổ công tác đặc biệt của Công an thành phố Hà Nội tuần tra, kiểm soát các tuyến đường xung quanh khu vực trường học, kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm TTATGT. Qua kiểm tra vẫn còn nhiều trường hợp học sinh và phụ huynh học sinh vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là không đội mũ bảo hiểm, chở người quá quy định, phụ huynh giao xe máy cho con em sử dụng khi chưa đủ điều kiện…

Ghi nhận tại nút giao Bà Triệu – Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), tổ công tác đặc biệt số 1 – Công an thành phố Hà Nội đã xử lý nhiều trường hợp học sinh vi phạm. Đáng chú ý, có nhiều trường hợp điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi.

Ngày đầu triển khai cao điểm, vẫn còn nhiều phụ huynh, học sinh vi phạm luật giao thông
Được phụ huynh cho phép nên học sinh này vẫn điều khiển xe 110 phân khối đi học.

Trường hợp em L.H.Q.H (học sinh lớp 12) điều khiển xe 110 phân khối khi chưa đủ tuổi. Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt với em L.H.Q.H; đồng thời, sẽ gửi thông báo về Phòng Giáo dục và mời phụ huynh em H lên trụ sở để xử lý theo quy định.

Đáng nói, học sinh H nắm được việc điều khiển xe 110 phân khối khi chưa đủ tuổi là sai. Tuy nhiên, được phụ huynh cho phép, nên H vẫn sử dụng phương tiện này đi học. “Khi giao xe cho đi, bố, mẹ chỉ dặn dò em nhớ đội mũ bảo hiểm, đi cẩn thận. Sau lần bị xử phạt này, bản thân em sẽ rút kinh nghiệm và không điều khiển xe phân khối lớn nữa”, em L.H.Q.H chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Thanh Hải – Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt số 1, cho biết, bên cạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tổ công tác cũng tuyên truyền, vận động học sinh, phụ huynh… không vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tổ công tác sẽ mời phụ huynh, người giám hộ của các em học sinh lên trụ sở để xử phạt về hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển.

Ngày đầu triển khai cao điểm, vẫn còn nhiều phụ huynh, học sinh vi phạm luật giao thông
Phụ huynh cần phải gương mẫu, chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ để các con noi theo.

“Các em học sinh sau khi bị xử lý đều nhận ra lỗi vi phạm. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ của học sinh, phụ huynh cần, quan tâm, quản lý con mình, hướng dẫn các con khi tham giao thông phải đội mũ bảo hiểm, đi đúng làn đường, và đặc biệt không giao xe cho con em chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, ngoài ra, phụ huynh phải gương mẫu, chấp hành quy định của Luật Giao thông để các con noi theo”, Trung tá Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo thống kê của Phòng CSGT, từ 6h30 đến 7h30 ngày 1/10, các Tổ công tác đặc biệt đã xử lý 31 trường hợp vi phạm TTATGT, tạm giữ hàng chục phương tiện. Trong đó, hành vi vi phạm chủ yếu là học sinh không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ độ tuổi điều khiển phương tiện, nhiều phụ huynh chở con ko đội mũ bảo hiểm,…

Đồng bộ các giải pháp

Để thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh, cũng trong ngày 1/10, song song với hoạt động xử lý vi phạm, Phòng CSGT Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền tại các điểm trường trên địa bàn.

Ngày đầu triển khai cao điểm, vẫn còn nhiều phụ huynh, học sinh vi phạm luật giao thông
Phòng CSGT Hà Nội tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông tại Trường THPT Lam Hồng, huyện Sóc Sơn.

Tại Trường THPT Lam Hồng, huyện Sóc Sơn, hàng trăm giáo viên, học sinh nhà trường đã được tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. Qua đó giúp các học sinh nắm được kỹ năng tham gia giao thông, không điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi…

Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung – báo cáo viên Phòng CSGT Hà Nội, đã trực tiếp chia sẻ và tuyên truyền một số nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ; đồng thời hướng dẫn đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng đúng quy cách, và độ tuổi bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia các loại phương tiện giao thông.

Ngày đầu triển khai cao điểm, vẫn còn nhiều phụ huynh, học sinh vi phạm luật giao thông
Báo cáo viên hướng dẫn đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng đúng quy cách.

Những kiến thức về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông được lực lượng chức năng phổ biến như: Số lượng người được phép ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; mức xử phạt một số lỗi khi tham gia giao thông; các trường hợp được ưu tiên khi tham gia giao thông…

Bên cạnh đó, học sinh cũng được tuyên truyền về các hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông; các quy định xử phạt vi phạm TTATGT theo quy định; cách nhận biết một số biển báo giao thông và ý nghĩa của biển báo hiệu giao thông cùng một số biển báo thường gặp,…

Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết, Phòng CSGT đã phối hợp với các trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh trong tham gia giao thông, đổi mới hình thức và phương pháp tuyên truyền sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, tạo sức cuốn hút trong học sinh và cả giáo viên.

Ngày đầu triển khai cao điểm, vẫn còn nhiều phụ huynh, học sinh vi phạm luật giao thông
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông.

Thông tin với phóng viên, Đại tá Trần Đình Nghĩa – Trưởng Phòng CSGT (Công an thành phố Hà Nội), cho biết, thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới”, Phòng CSGT đã và đang chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục, gia đình phụ huynh trong công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho các em học sinh.

“Nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, Phòng CSGT sẽ bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, và xử lý nghiêm những trường hợp học sinh, sinh viên, phụ huynh điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về TTATGT. Từ đó, phòng ngừa tai nạn giao thông, góp phần hình thành ý thức chấp hành pháp luật cho các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Công tác này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục các ngày trong tuần và xuyên suốt năm học”, Đại tá Trần Đình Nghĩa nhấn mạnh.

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích