Đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù để Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế Thủ đô
Chiều 1-10, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến góp ý Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định số 212-QĐ/TƯ ngày 30-12-2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh, huyện.
Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo.
Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban Đảng Trung ương; đại diện Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội Trung ương ương; Ban Bí thư Trung ương Đoàn và đại diện Thường trực các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Quang Thái |
Tại hội nghị, Ban Tổ chức Trung ương đã báo cáo tóm tắt dự thảo kết quả thực hiện Quy định số 212-QĐ/TƯ. Đại diện các Tỉnh ủy, Thành ủy và các tổ chức chính trị – xã hội cũng nêu nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện Đề án bổ sung, sửa đổi Quy định số 212-QĐ/TƯ.
Tham luận tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nêu một số nội dung góp ý nhằm hoàn thiện các Dự thảo Quy định của Trung ương.
Về Dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Quy định số 212-QĐ/TƯ của Ban Bí thư ban hành ngày 30-12-2019, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhất trí với Dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Quy định số 212-QĐ/TƯ của Ban Bí thư do Ban Tổ chức Trung ương xây dựng.
Thực hiện Quy định số 212-QĐ/TƯ của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan chuyên trách của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động… bảo đảm sự lãnh đạo của Thành ủy và tập thể lãnh đạo cơ quan; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động…
Bên cạnh đó, thành phố quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động sau khi sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, biên chế theo đúng quy định.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại các điểm cầu. Ảnh: Quang Thái |
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã khẩn trương ban hành Kế hoạch số 183-KH/TU, ngày 25-3-2020 về rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội thành phố Hà Nội.
Thành phố bảo đảm nguyên tắc tối thiểu có 5 người mới lập một đầu mối trực thuộc; ban có dưới 10 người được bố trí trưởng ban và 1 phó trưởng ban; có từ 10 người trở lên được bố trí không quá 2 phó trưởng ban. Số lượng lãnh đạo cấp phó chuyên trách của cơ quan Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội thành phố là 21 đồng chí, cấp huyện từ 7-8 đồng chí… Kết quả hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong thời gian vừa qua bảo đảm các yêu cầu đề ra, góp phần cùng hệ thống chính trị thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Đóng góp vào dự thảo Quy định số 212-QĐ/TƯ (bổ sung, sửa đổi), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với các nội dung đã được điều chỉnh trong dự thảo, đồng thời đề nghị: Sửa đổi tên “Ban Dân chủ pháp luật” tại Khoản 3, Điều 3 thành “Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội” để phù hợp với Quyết định số 120-QĐ/TƯ của Ban Bí thư ngày 6-9-2023 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến tham luận tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Quang Thái |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng kiến nghị, Ban Tổ chức Trung ương cho phép duy trì mô hình Trung tâm Hỗ trợ nông dân (thuộc Hội Nông dân thành phố) do đặc thù số lượng nông dân của thành phố khá lớn. Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội cũng đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025″…
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy kiến nghị, Trung ương xem xét, giao bổ sung biên chế cho khối Đảng, đoàn thể để thực hiện đúng chỉ tiêu tinh giảm 5% công chức, 10% viên chức theo Kết luận của Bộ Chính trị; đồng thời giao bổ sung biên chế cho khối đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố…
Với quan điểm phân cấp, phân quyền mạnh mẽ theo nhiều quy định mới, mang tính đột phá được quy định tại Luật Thủ đô số 39/2024/QH15, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề xuất, Trung ương quan tâm hơn nữa đến công tác tổ chức xây dựng Đảng của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội nói riêng và công tác tổ chức xây dựng Đảng của thành phố nói chung; tham mưu các cơ chế đặc thù nhằm tạo đột phá để Hà Nội phát triển vượt bậc, xứng đáng với vai trò, vị thế là Thủ đô của cả nước.
Nguồn: Báo xây dựng