Thu nhập và 1m2 nhà!
Từ 1/7 khi thực hiện tăng lương cơ sở rất nhiều công chức, viên chức mừng vì cũng ít nhiều cải thiện được cuộc sống trong bối cảnh giá cả ngày càng leo thang, các chi phí cho nhu cầu cuộc sống ngày càng nhiều; đặc biệt khi Nhà nước đưa ra các chính sách về phát triển nhà ở xã hội. Lương đã tăng theo đúng lộ trình, nhà ở xã hội đa số vẫn “đang nằm” trên giấy… cũng thời điểm người lao động, nhất là những người có thu nhập trung bình khá đến thu nhập thấp mà chưa có nhà riêng như ngồi “trên lửa”, đơn giản bởi giá nhà, giá chung cư tăng quá cao.
Sau thời kỳ “đóng băng” trong năm 2023, do chờ Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như các chỉ đạo của Chính phủ về giảm nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp bất động sản để nhường chỗ cho khu vực sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng ổn định, nền tài chính, tín dụng an toàn. Ai cũng mừng thầm, có lẽ giá bất động sản sẽ giảm sâu (nhà, đất), người lao động có thu nhập trung bình khá trở lên có cơ hội mua nhà. Nhưng không, giá không giảm như kỳ vọng, trái lại ngày một tăng. Từ chỗ những năm trước, trong các quận nội đô những chung cư được cho là cao cấp hay “gắn mác” cao cấp giá cũng chỉ dao động 30-45 triệu đồng/m2, các chung cư khác giá khoảng 25-30 triệu đồng/m2, nhưng giờ đây chẳng cần cao cấp hay “thấp cấp” cứ trong các quận nội thành, giá một mét vuông chung cư dao động 70-100 triệu đồng. Với mức giá “khủng khiếp” này, những người có thu nhập thấp, thu nhập khá (khoảng 20 triệu/tháng) không biết bao giờ có nhà!
Trở lại câu chuyện đứa em, quê Hà Tĩnh – miền Trung nắng gió. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đến nay đã sinh sống, làm việc ở Thủ đô được 10 năm. Lương, thu nhập trung bình khoảng gần 30 triệu/tháng. Thu nhập khoảng 30 triệu tháng có thể xếp vào loại trung bình khá, nhưng tính ra so với các khoản chi tiêu trong tháng cũng chẳng để ra được là bao. Cậu em kể, tiền thuê nhà và các chi phí điện nước, xăng xe tháng khoảng 5 triệu đồng, tiền ăn; các loại tiền liên quan đến cưới xin, ngoại giao và các chi phí khác khoảng 15 triệu/tháng. Chưa kể ốm đau, tiền gửi về quê biếu bố mẹ, mỗi tháng tằn tiện dư ra khoảng chục triệu. Một năm, dành dụm được tầm 150 triệu đồng. Với số tiền này, tính ra mua được… đúng 2m2 nhà chung cư! Đấy là cậu em làm ở doanh nghiệp, thu nhập còn tương đối khá, còn ngay như bản thân tôi và những viên chức làm các cơ quan hành chính sự nghiệp, ăn theo hệ số lương Nhà nước, mức thu nhập thấp hơn thì tính tiền tích lũy cả năm có khi chỉ mua được 1m2 nhà chung cư. Nghe có vẻ chua cay, nhưng đó là sự thật!
Nghe 1m2 chung cư giá lên đến 80 triệu đồng mà choáng, nên đành hỏi cậu em: “Chú học kinh tế, vậy anh hỏi giá chung cư tăng cao như hiện tại có phải là do giá đầu vào tăng?”. Cậu em trả lời, thực ra từ Tết Nguyên đán đến giờ giá đầu vào cũng không quá tăng đến nỗi làm giá chung cư tăng cao như hiện tại, cái chính là ở khâu “nghệ thuật” thổi giá dẫn đến hiệu ứng dây chuyền. “Xét ở góc độ quản lý, có lẽ Chính phủ nên chỉ đạo thanh tra chuyên ngành, Bộ Xây dựng tiến hành thanh, kiểm tra xem giá cả như thế có đúng không? Nếu cứ thả như thế vấn đề bất bình đẳng về nhà ở vẫn cứ diễn ra”- cậu em kiến nghị! Từ hôm nay (1/10) những người hưởng lương chuẩn bị được lĩnh, nhưng cứ nghĩ đến tiền lương tháng với 1m2 nhà chung cư lòng nôn nao buồn!
Lê Hà
Nguồn: Báo lao động thủ đô