Ngăn chặn thanh thiếu niên gây rối trên đường phố

Diễn biến phức tạp

Thời gian gần đây, Công an Hà Nội đã làm rõ nhiều vụ các nhóm thanh, thiếu niên, chủ yếu là các nhóm thanh thiếu niên dưới 18 tuổi, tụ tập điều khiển xe mô tô với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng. Điển hình như, đêm 25 rạng sáng 26/8, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng Công an quận Hà Đông nắm bắt sự xuất hiện của nhóm khoảng 20 đối tượng thanh thiếu niên đang tập trung tại khu vực đường Tô Hiệu, phường Hà Cầu. Số đối tượng này không mang theo hung khí như dao tự chế, vỏ chai bia, nhưng nhiều xe máy tháo biển kiểm soát và nhiều đứa không đội mũ bảo hiểm. Những đặc điểm này trùng khớp với loại tội phạm đường phố, vốn đang được Công an quận tập trung phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt.

Ngăn chặn thanh thiếu niên gây rối trên đường phố
Công an thành phố Hà Nội cảnh báo tình trạng thanh thiếu niên mang theo hung khí, tụ tập vi phạm pháp luật.

Đến ngày 28/8, Công an quận Hà Đông đã xác định được toàn bộ 7 đối tượng có hành vi cướp tài sản xảy ra rạng sáng 26/8. Các đối tượng đều ở độ tuổi 13 – 15 tuổi, đến từ các huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai… Lời khai của nhóm đối tượng cho thấy, cả nhóm đa phần là “người làng”, và một số quen biết nhau qua mạng xã hội, qua những chuyến đi chơi đêm. Đặc biệt, nhóm đối tượng này có hành vi cướp biển kiểm soát xe máy của người đi đường rồi khoe “chiến tích” trên mạng xã hội…

Tình trạng thanh thiếu niên trên địa bàn đi sang các địa bàn khác gây rối trật tự công cộng và ngược lại có chiều hướng gia tăng, Công an huyện đã triển khai 3 chốt kiểm soát, 7 tổ tuần tra lưu động nhằm đảm bảo khép kín địa bàn, phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa để có biện pháp phối hợp đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng trên. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát hình sự đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 5 vụ. Trong đó, 3/5 vụ có đối tượng là người ở địa bàn khác sang huyện Ứng Hòa gây án và bị bắt giữ.

Theo các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự – Công an thành phố Hà Nội, đây là hiện tượng đáng báo động, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự chung của Thành phố. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng hành vi của các đối tượng là côn đồ, coi thường pháp luật. Sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để đe dọa, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác. Cơ quan công an đã bắt giữ 81/171 đối tượng cướp dưới 18 tuổi, chiếm 47,3% số đối tượng phạm tội cướp tài sản.

Trách nhiệm của toàn xã hội

Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, qua các vụ việc gần đây, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Công an các quận, huyện, thị xã điều tra cơ bản, và phát hiện chủ yếu nhóm đối tượng ở khu vực ngoại thành. Vào các tối cuối tuần, tụ tập nhau rồi di chuyển vào trung tâm Hà Nội, mang theo hung khí để khuếch trương “thanh thế”, mục đích quay clip đăng tiktok và các nền tảng xã hội khác…

Cơ quan Công an nhận định, đây là các nhóm chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, hầu hết đều chưa nhận thức được đầy đủ về pháp luật, học theo các trào lưu trên mạng xã hội, bị kích động bởi các trò chơi điện tử bạo lực dẫn đến vi phạm pháp luật mà không nghĩ rằng mình trở thành đối tượng bị pháp luật xử lý.

Có thể thấy, xã hội ngày càng phát triển, thu nhập của một bộ phận người dân được nâng cao, người lớn ít có thời gian quan tâm đến trẻ em do đó, ở một số gia đình, lối sống hưởng thụ, thực dụng đã và đang tồn tại ở một bộ phận thanh, thiếu niên. Vì vậy, nếu trẻ em không được quan tâm, giáo dục thì rất dễ sa ngã. Những thanh, thiếu niên lêu lổng, mải chơi, thiếu sự giáo dục của cha mẹ có thể kết thành bè nhóm, dễ dàng tìm thấy nhau trong các hội, nhóm trên mạng xã hội rồi rủ rê nhau cùng phạm tội.

Nhín từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hoàng – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành đã có quy định rất cụ thể về việc người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp; còn người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội phạm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều thanh, thiếu niên không biết được việc làm sai trái của mình có thể bị pháp luật xử lý. Các đối tượng không nhận thức được mức độ vi phạm của bản thân, chỉ từ những lời dụ dỗ, kích động đã bị lôi kéo, tham gia vào những việc làm sai trái.

Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu – Tiến sĩ Tội phạm học, Cục Truyền thông, Bộ Công an, một trong những nguyên nhân dẫn đến xu hướng trẻ hóa tội phạm hiện nay là thiếu sự quan tâm, buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình. Ngày nay, có rất nhiều gia đình bố mẹ không dành nhiều thời gian cho con cái hoặc bố mẹ ly hôn, con trẻ thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm.

Mặt khác, do nhận thức của thanh – thiếu niên, một phần do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giảng dạy văn hóa chưa giúp các em hiểu nguy cơ pháp lý phải gánh chịu sẽ nặng nề ra sao nếu phạm pháp. Nhiều người mặc định công tác phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên là nhiệm vụ riêng của ngành công an. Các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ… cần chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng trong lứa tuổi thanh, thiếu niên có nguy cơ phạm tội trên địa bàn; quan tâm xây dựng các sân chơi bổ ích để tạo môi trường tích cực, giúp thanh, thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội. Có như vậy, công tác phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên mới đạt kết quả tốt.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 (Tổ trưởng Tổ công tác Y1/141), khuyến cáo, đối với các bậc phụ huynh, cần tăng cường quản lý, giáo dục, giám sát con em nhất là giám sát việc sử dụng mạng xã hội, không để kết giao, quan hệ với bạn xấu, tham gia thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Thường xuyên trao đổi, phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục nhận thức, pháp luật, nắm bắt tâm lý để định hướng cách giáo dục con trẻ phù hợp.

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích