Bộ Y tế xây dựng Bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện

Đề xuất Bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện

Cụ thể, tại dự thảo Thông tư, đã đề xuất quy định về tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện, bao gồm: ban hành, áp dụng, đánh giá, báo cáo thực hiện và công nhận, công bố kết quả.

Đồng thời, ban hành kèm theo dự thảo Thông tư là Bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện (gọi tắt là Bộ tiêu chuẩn) tại Phụ lục kèm theo dự thảo Thông tư. Áp dụng đối với: Bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có loại hình tổ chức là bệnh viện; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bộ Y tế đang dự thảo Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản

Về tổ chức thực hiện, dự thảo Thông tư đã nêu:

Các bệnh viện có trách nhiệm áp dụng Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản tại bệnh viện để xác định thực trạng, khắc phục, cải tiến chất lượng để bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp cho người bệnh và các đối tượng liên quan.

Bệnh viện tự đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn ít nhất một lần trong năm. Thủ trưởng bệnh viện chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của thông tin, số liệu thống kê, kết quả, thời hạn hoàn thành và chất lượng báo cáo đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn.

Các cơ quan quản lý đánh giá chất lượng các bệnh viện trực thuộc theo nguyên tắc quản lý rủi ro ít nhất một lần trong ba năm và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh).

Các tổ chức độc lập thực hiện đánh giá khi có đề nghị của của bệnh viện hoặc cơ quan quản lý

Việc đánh giá chất lượng được thực hiện vào thời điểm bất kỳ trong năm. Số liệu thống kê thực hiện theo các yêu cầu cụ thể của từng tiêu chí, tiểu mục. Trong trường hợp không quy định rõ về mốc thời gian thống kê thì số liệu được tính trong một năm dương lịch từ 1/1 đến 31/12 hằng năm.

Kết quả đánh giá Bộ tiêu chuẩn có thời hạn trong tối đa 3 năm. Dự kiến nếu được ban hành, Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Một số nội dung của Bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện đang được đề xuất

Tại Bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện tại Phụ lục kèm theo dự thảo Thông tư nêu nhiều nội dung tiêu chuẩn với quan điểm là “Lấy người bệnh là trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, nhân viên y tế là then chốt của toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh”.

Cung cấp bộ công cụ để các bệnh viện tự đánh giá và các cơ quan quản lý, tổ chức độc lập đánh giá, chứng nhận chất lượng theo Điều 57, Điều 58 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.

Giám sát các điều kiện cho phép hoạt động và xác định các điều kiện bảo đảm chất lượng dịch vụ theo Điều 49 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.

Cung cấp căn cứ để bệnh viện triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cao nhất cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế.

Thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin của bệnh viện đối với người bệnh, người dân và và cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của Chính phủ.

Trong dự thảo Bộ tiêu chí này, tiêu chuẩn đầu tiên quy định trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ người bệnh là người bệnh điều trị nội trú được nằm một người một giường.

Ý nghĩa của tiêu chuẩn này là người bệnh cần được bảo đảm quyền riêng tư, có không gian riêng trong bệnh viện. Hạn chế nguy cơ lây nhiễm, mất an toàn, sự cố y khoa trong quá trình điều trị.

Theo đó, trong năm, cơ sở y tế không có trường hợp nằm ghép từ 3 người bệnh trở lên trên 1 giường bệnh (trừ trường hợp thiên tai, thảm họa và các vụ dịch truyền nhiễm).

Buồng bệnh bảo đảm không dột, chảy nước; Tường của buồng bệnh không bong tróc vữa, ẩm mốc.

Người cao tuổi và các đối tượng ưu tiên khác được quan tâm, ưu tiên bố trí giường bệnh nằm riêng.

Có sổ hoặc phần mềm theo dõi người bệnh nhập, xuất viện tại các khoa.

Có số liệu thống kê số lượt người bệnh nội trú, số giường và “giường tạm” tại các khoa lâm sàng.

Không có tình trạng nằm ghép 2 người bệnh trên 1 giường sau 24 giờ kể từ khi nhập viện.

Tất cả người bệnh được nằm mỗi người một giường kê trong buồng bệnh hoặc hành lang.

Toàn bộ các giường bệnh kê trong buồng bệnh hoặc hành lang bảo đảm không bị dột, hắt nước khi trời mưa.

Người cao tuổi được quan tâm, ưu tiên bố trí giường bệnh ở các vị trí thuận tiện ra – vào, lên – xuống các tầng gác (nếu khối nhà có từ 2 tầng trở lên) hoặc đi vệ sinh (áp dụng cho các bệnh viện có điều trị cho người bệnh cao tuổi).

Người bệnh được quan tâm bố trí giường tại các khu vực nam và nữ riêng nếu trong cùng buồng bệnh hoặc trong các buồng bệnh nam và nữ riêng biệt.

Giường bệnh bảo đảm chắc chắn và được sửa chữa, thay thế kịp thời nếu bị hỏng, bong tróc sơn… Giường tạm là băng ca, giường gấp, ghế ngả… có tính di động.

Người bệnh bị bệnh nặng ở khoa hồi sức tích cực/điều trị tích cực, người bệnh sau phẫu thuật, người bệnh cần kết nối với trang thiết bị y tế, người bệnh bị bệnh truyền nhiễm, người bệnh bị nhiễm khuẩn bệnh viện và các người bệnh có nguy cơ bị lây nhiễm cao được bố trí nằm mỗi người một giường.

Bảo Linh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích