“Chủ trương nhất quán của Việt Nam là coi trọng quan hệ hợp tác với Mông Cổ”
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả và lâu dài, phù hợp với lợi ích và nhu cầu hợp tác của cả hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 30/9, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội kiến Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene tại thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ.
Trong bầu không khí hữu nghị, thân tình và tin cậy, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Mông Cổ; vui mừng về việc hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên “Đối tác toàn diện Việt Nam-Mông Cổ” nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mông Cổ lần này.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp với nhiều hình thức linh hoạt; đẩy mạnh hợp tác thực chất, cùng có lợi, qua đó tạo bước chuyển biến về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; phát huy hơn nữa vai trò cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Mông Cổ, góp phần thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả lĩnh vực kinh tế hai nước; tích cực tổ chức và vận động các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tại mỗi nước, qua đó thúc đẩy hợp tác thương mại tăng trưởng ổn định; đồng thời đẩy mạnh giao lưu nhân dân, văn hóa, giáo dục giữa hai nước; thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực lao động, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông.
Chiều 30/9, tại Cung Nhà nước ở thủ đô Ulan Bator, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Về phần mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chúc mừng Ngài Oyun-Erdene được tái bổ nhiệm giữ chức Thủ tướng Mông Cổ; chuyển lời thăm hỏi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lời mời Thủ tướng Mông Cổ thăm Việt Nam; đánh giá cao những thành tựu mà Chính phủ và nhân dân Mông Cổ đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là việc triển khai thành công “Chính sách phục hồi mới” và thực hiện mục tiêu “Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2024-2028;” qua đó góp phần phát triển đất nước Mông Cổ, nhân dân ấm no, hạnh phúc, trở thành một trong những nước phát triển hàng đầu tại khu vực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là coi trọng quan hệ hợp tác với Mông Cổ và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả và lâu dài, phù hợp với lợi ích, tiềm năng và nhu cầu hợp tác của cả hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân ký mới biên bản hợp tác qua đó tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ hai đảng trong thời gian tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt Chính phủ và Nhân dân Việt Nam cảm ơn Chính phủ và Nhân dân Mông Cổ đã hỗ trợ 200.000 USD cho người dân miền Bắc khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) vừa qua.
Thủ tướng Oyun-Erdene gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các lãnh đạo cấp cao Việt Nam về những tình cảm đặc biệt dành cho đất nước và nhân dân Mông Cổ; hoan nghênh chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam; đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm đối với việc phát triển quan hệ hai nước; chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, vị thế và vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực và thế giới; khẳng định tăng cường hợp tác toàn diện và sâu rộng với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ tại khu vực.
Thủ tướng Oyun-Erdene mong muốn tăng cường và mở rộng hợp tác hơn nữa với Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế-thương mại, giáo dục, khoa học công nghệ, giao thông vận tải, logistics, văn hóa, thể thao, du lịch và giao lưu nhân dân, cũng như tại các diễn đàn, cơ chế đa phương tương xứng với quan hệ đối tác toàn diện.
Nguồn: Báo xây dựng