Quảng Ngãi: Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh năng suất xanh, chuyển đổi số trong sản xuất
Doanh nghiệp Quảng Ngãi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh minh họa
Năng suất xanh, chuyển đổi số là động lực thúc đẩy đổi mới
Năng suất xanh là việc áp dụng một tập hợp các công cụ, kỹ thuật và công nghệ quản lý nhằm khuyến khích đổi mới và tạo ra một chu trình tăng năng suất liên tục. Thông qua các hệ thống quản lý như ISO 14000 về môi trường, ISO 50001 về năng lượng, và hệ thống hạch toán chi phí dòng vật liệu MFCA (ISO 14021:2011), doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chuỗi cung ứng xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu chất thải.
Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) là một trong những doanh nghiệp tiên phong áp dụng năng suất xanh tại Quảng Ngãi. QNS đã mạnh dạn áp dụng nhiều công cụ quản lý quốc tế như 5S, MFCA, BSC, và Lean Six Sigma để cải tiến quy trình sản xuất và giảm thiểu tác động đến môi trường. Kết quả là, doanh thu của QNS trong năm 2023 đạt hơn 10,5 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022.
Chị Trương Thị Bích Hà – chuyên viên Phòng Quản lý chất lượng của QNS, chia sẻ rằng nhờ việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và phương pháp MFCA, doanh nghiệp đã giảm đáng kể chi phí sản xuất nhờ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu và lao động. Điều này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, từ đó nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Hay Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ chế biến thủy sản Hưng Phong được biết tới là doanh nghiệp đi đầu về đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, cấp đông sản phẩm tại Nhà máy Chế biến thủy sản Hưng Phong.
Với hệ thống máy lạnh hầm đông gió, phần vỏ hầm đông, trong cùng một thời gian hoạt động của hệ thống là 80 giờ, hệ thống cũ cho ra 64 tấn sản phẩm, hệ thống mới cho ra 100 tấn sản phẩm; số lượng sản phẩm sản xuất tăng lên gấp 1,56 lần so với thiết bị cũ. Doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 69% lượng điện năng sử dụng; rút ngắn thời gian cấp đông sản phẩm/mẻ từ 10 xuống 8 giờ, tăng vòng quay hầm (số mẻ/hầm), tăng sản lượng sản phẩm sản xuất từ 2.600 lên 3.600 tấn/năm; tăng lợi nhuận khoảng 30%/đơn vị sản phẩm so với công nghệ cũ với kế hoạch sản xuất của hệ thống thiết bị đầu tư mới 3.600 tấn sản phẩm/năm, ước tính lợi nhuận sau thuế đạt 3.451.503.600 đồng/năm. Chất lượng sản phẩm nâng lên, đem lại thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh cho công ty.
Công ty TNHH xây dựng – sản xuất và thương mại Phước An cũng đã đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ cắt ống kim loại. Với máy cắt ống Laser FLT6016L, để gia công sản phẩm inox khoảng 270 tấn/năm cho công đoạn cắt ống chỉ tốn rất ít chi phí điện. So với hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ cũ thì hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ mới có tổng chi phí giảm 8,7% và lợi nhuận của doanh nghiệp sau đầu tư đạt 68,7%.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi số là “chìa khóa” giúp xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại và bền vững. Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi Trần Thanh Trường, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số như hệ thống camera thông minh AI, bản đồ dữ liệu thời gian thực, và các giải pháp quản lý số hóa để tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp là điều kiện quan trọng để thực hiện thành công chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi không chỉ sự đầu tư vào công nghệ mà còn là sự thay đổi tư duy của người lao động và quản lý.
Đào tạo và hợp tác quốc tế giúp doanh nghiệp tiếp cận năng suất xanh
Thực hiện chương trình quốc gia về nâng cao năng suất và chất lượng giai đoạn 2021-2025, từ năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi đã tổ chức 9 khóa đào tạo về năng suất và chất lượng cho gần 450 người tham gia, trong đó có 3 khóa đào tạo về năng suất xanh. Các khóa học này cung cấp kiến thức chuyên sâu về năng suất xanh và các công cụ như 5S, Kaizen, MFCA, Lean, giúp doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Chị Lê Thị Thúy Kiều – nhân viên kiểm soát hệ thống quản lý của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, cho biết sau khi tham gia khóa đào tạo về năng suất xanh, chị đã học hỏi thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia và đồng nghiệp, từ đó mạnh dạn triển khai các giải pháp năng suất xanh tại doanh nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi Trần Công Hòa, việc áp dụng năng suất xanh không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu lãng phí và chi phí sản xuất mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh. Các công cụ như 5S, Kaizen và Lean đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia và là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Dù mang lại nhiều lợi ích, việc áp dụng năng suất xanh vẫn là một thách thức đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Quảng Ngãi. Theo ông Nguyễn Ngọc Thi, Giám đốc Viện Năng suất Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng, 97% doanh nghiệp tại Quảng Ngãi là doanh nghiệp vừa và nhỏ, và phần lớn trong số này vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của năng suất xanh. Nhiều doanh nghiệp không đo lường được mức độ lãng phí trong quy trình sản xuất và không thấy rõ lợi ích của việc giảm thiểu chất thải.
Để giải quyết vấn đề này, Viện Năng suất Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi để đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ nâng cao năng suất, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Năng suất xanh và chuyển đổi số không chỉ là xu hướng phát triển tất yếu của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, mà còn là những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Với sự hỗ trợ từ các chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế và sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp tại Quảng Ngãi hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội để phát triển bền vững trong tương lai.
Duy Trinh – Thành Long