Vĩnh Phúc: Kiểm điểm tiến độ thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
(Xây dựng) – Ngày 27/9, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị kiểm điểm tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm do ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Quang cảnh Hội nghị. |
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc được giao hơn 7.895 tỷ đồng vốn đầu tư công, gồm vốn ngân sách Nhà nước do Trung ương giao hơn 7.776 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh giao bổ sung gần 120 tỷ đồng. UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết hơn 4.460 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; cấp huyện, cấp xã phân bổ chi tiết hơn 3.430 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
Ngay từ đầu năm, Vĩnh Phúc tập trung đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh tính đến ngày 15/9 đạt hơn 3.998 tỷ đồng, bằng 51,4% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 48,4% tổng số vốn kế hoạch (bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài).
Trong đó, tỷ lệ giải ngân cấp tỉnh đạt 32,5%; tỷ lệ giải ngân các huyện, thành phố đạt 70,8%. Một số nơi có tỷ lệ giải ngân cao như huyện Bình Xuyên 97,6%; huyện Yên Lạc 90,5%; thành phố Vĩnh Yên 74,3%; huyện Lập Thạch 73,8%.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn kiểm điểm, đồng thời phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn thấp là do trong những tháng đầu năm, các nhà thầu tập trung thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng chậm trễ, kéo dài.
Một số dự án chưa có tên hoặc chưa đủ chỉ tiêu sử dụng đất trong danh mục quy hoạch được duyệt, phải thực hiện thủ tục cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 của cấp huyện.
Cùng với đó, vốn bổ sung từ ngân sách địa phương cho chi đầu tư công năm 2024 đến nay chưa được phân bổ, dẫn đến nhiều công trình chưa được giao vốn để thực hiện; nhiều dự án khan hiếm về nguồn vật liệu đất đắp…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là huyện, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao. Ông nhấn mạnh, đầu tư công là nguồn lực quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ rất quan trọng được gắn với trách nhiệm người đứng đầu và việc đánh giá cán bộ, Đảng viên hằng năm.
Để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt mục tiêu hơn 95%, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành, địa phương, các Ban Quản lý dự án tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo về đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, nhất là Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 24 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh quyết toán vốn. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đấu thầu, tăng cường giám sát, kiểm tra nhà thầu trong thi công dự án.
Văn phòng UBND tỉnh sớm đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh kiện toàn Tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công; định kỳ hằng tháng Tổ công tác đặc biệt họp kiểm điểm tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước theo dõi, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh các dự án cần điều chỉnh, điều chuyển vốn.
Sở Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các huyện, thành phố đánh giá khả năng hoàn thành đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực cho đầu tư công.
Các Ban Quản lý dự án, UBND các huyện, thành phố xây dựng rõ lộ trình giải ngân theo từng tháng; tăng cường giám sát hồ sơ quyết toán, các công trình, dự án đầu tư.
Các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và cơ quan chuyên môn cấp huyện tiếp tục hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện các nội dung theo quy định của pháp luật về xây dựng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các dự án.
Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước chủ động tháo gỡ khó khăn cho việc thanh quyết toán các dự án hoàn thành, bảo đảm tiến độ giải ngân nguồn vốn. UBND các huyện, thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu ngay sau Hội nghị này, Văn phòng UBND tỉnh xây dựng dự thảo Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong Chỉ thị, xác định rõ mục tiêu với từng chủ đầu tư, từng địa phương. Phấn đấu đến ngày 30/10/2024, giải ngân tối thiểu 70% kế hoạch giao; đến ngày 30/11/2024, giải ngân tối thiểu 90%; đến 31/12/2024, giải ngân hơn 95%.
Nguồn: Báo xây dựng