Xây dựng Bắc Phong Sinh theo mô hình khu kinh tế cửa khẩu tổng hợp, năng động
(Xây dựng) – Ngày 27/9, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung (QHC) xây dựng khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2045. Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị. |
Khu kinh tế tổng hợp, đa ngành
Theo báo cáo Nhiệm vụ QHC xây dựng KKTCK Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2045, KKTCK Bắc Phong Sinh đã được thành lập theo Quyết định số 115/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với phạm vi, ranh giới là toàn bộ xã Quảng Đức thuộc huyện Hải Hà.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023, định hướng KKTCK Bắc Phong Sinh là KKT tổng hợp với trọng tâm phát triển các ngành thương mại; dịch vụ và du lịch, công nghiệp chế biến; cùng với KKTCK Hoành Mô – Đồng Văn, phụ trợ cho KKTCK Móng Cái để đảm bảo sự xuyên suốt và duy trì các hoạt động liên tục dọc chuỗi các KKTCK.
Đồng thời, Bắc Phong Sinh là khu đô thị vùng biên giới với không gian đô thị hài hòa, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và có bản sắc riêng; là nơi thu hút, xúc tiến các hoạt động đầu tư kinh doanh trên cơ sở hệ thống cửa khẩu liên hoàn đồng bộ; là đầu mối giao thông quan trọng với khu vực huyện Hải Hà và vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc bộ…
Xuất phát từ nhu cầu thực tế về quản lý triển khai hoạt động xây dựng trong KKT, thực hiện theo Quyết định số 115/2002/QĐ-TTg về thành lập KKTCK Bắc Phong Sinh; Quyết định số 80/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh; Quyết định số 1199/QĐ-TTg Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc; căn cứ Luật Xây dựng, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về Quy hoạch xây dựng, việc lập Nhiệm vụ QHC xây dựng KKTCK Bắc Phong Sinh để triển khai đồ án quy hoạch là cần thiết.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch KKTCK Bắc Phong Sinh gồm địa giới hành chính toàn bộ xã Quảng Đức, huyện Hải Hà. Quy mô lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Quảng Đức có tổng diện tích khoảng 9.373,43ha. Thời hạn lập quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045. Dự báo quy mô dân số, lao động đến năm 2030 khoảng 5.000 – 7.000 người; khoảng 9.000 – 11.000 người vào năm 2045.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành; thành lập, xây dựng phát triển KKTCK Bắc Phong Sinh trở thành KKTCK năng động, thông minh, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động thương mại qua biên giới và các hoạt động khác có liên quan.
Bên cạnh đó, phát triển KKTCK Bắc Phong Sinh theo mô hình KKT tổng hợp, có tính cạnh tranh cao, trở thành trung tâm kinh tế năng động tập trung vào các ngành thương mại, du lịch và dịch vụ, logistic, công nghiệp chế biến…; gắn kết chặt chẽ với Khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà tạo thành đầu mối tập kết, trung chuyển và xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ…
Việc lập quy hoạch cũng nhằm xây dựng khu đô thị biên giới phía Bắc của huyện Hải Hà với không gian đô thị hài hòa, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và có bản sắc riêng; giải quyết các vấn đề xã hội, phân bố lại lao động, dân cư của một khu vực biên giới, miền núi, dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Đồng thời xây dựng KKT có quốc phòng đảm bảo, có an ninh trật tự, an toàn xã hội vững chắc; làm cơ sở pháp lý để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và các dự án đầu tư xây dựng thuộc KKT…
Đảm bảo phát huy hiệu quả, thế mạnh của KKTCK
Về cơ bản, các thành viên của Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Nhiệm vụ QHC xây dựng KKTCK Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2045.
Tuy nhiên, các Bộ, ngành, Hội, Hiệp hội và các chuyên gia vẫn đóng góp một số ý kiến đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh và đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn thiện Đồ án liên quan đến các lĩnh vực môi trường, an ninh quốc phòng, văn hóa, đầu tư xây dựng, giao thông, nông nghiệp… như: Đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi về phòng chống thiên tai; rà soát lại diện tích của khu kinh tế; rà soát diện tích đất rừng bảo đảm phù hợp với Quyết định số 895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đánh giá các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, đảm bảo hoàn thiện hồ sơ, làm rõ cân nhắc kỹ tính chất mô hình của KKT cũng như các thành phần lựa chọn đưa vào KKT đảm bảo phát huy hiệu quả, phát huy thế mạnh KKT dọc tuyến biên giới Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Ngoài ra, trong hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch cần đưa vào tổ chức liên kết các mô hình vùng, bổ sung sơ đồ ranh giới khu vực quy hoạch; làm rõ chức năng của KKT tổng hợp…
Kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Trần Thu Hằng đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ, nội dung nhiệm vụ khá đầy đủ, tuân thủ các quy định pháp luật.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh và đơn vị tư vấn vẫn phải tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định để hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch.
Trong đó, Đồ án cần cập nhật các cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý có liên quan tác động đến phát triển KKT; xác định chính xác ranh giới, nguồn số liệu, phạm vi quy hoạch; làm rõ nội dung liên quan đến lợi thế, tiềm năng của KKT; dự báo sơ bộ, cập nhật đánh giá hiện trạng, khái quát đặc trưng những vấn đề cần lưu ý trong quá trình lập Đồ án.
Đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, đưa tiềm lực, lợi thế không gian phát triển kinh tế vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.
Vụ trưởng Trần Thu Hằng đề nghị tỉnh Quảng Ninh và đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ, Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Nguồn: Báo xây dựng