Làng nghề gốm, sứ Bát Tràng – chuyển mình hồi sinh sau đại dịch

Làng Bát Tràng, trực thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội – nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất nhì cả nước. Trong số gần 5.400 làng nghề ở Việt Nam, thì Hà Nội chiếm tới 1/3 (với khoảng 1.350 làng nghề). Do tác động của đại dịch Covid – 19, thời gian qua, các hộ kinh doanh của làng gốm, sứ Bát Tràng cũng gặp nhiều khó khăn.

 

 

Hiện nay, tại làng gốm, sứ Bát Tràng có chừng 1.000 hộ sinh sống thì có khoảng 600 hộ làm nghề gốm; số còn lại làm các dịch vụ bổ trợ về mầu vẽ, hoa nổi, vẽ thủ công, thợ rót… và trung chuyển buôn bán tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm trong khu chợ trung tâm của làng nghề.

 

Làng nghề gốm, sứ Bát Tràng còn được coi là cái “nôi” của ngành gốm với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo. Thật vậy, bởi từ mảng đất thô sơ, qua đôi bàn tay tài hoa và khéo léo của người nghệ nhân thổi hồn đã tạo thành những kiệt tác có giá trị; không chỉ đem lại kinh tế mà còn mang giá trị lưu giữ tinh hoa cổ truyền của dân tộc. Đa phần những sản được làm ra từ làng gốm, sứ Bát Tràng không chỉ đẹp về mẫu mã, bền về chất lượng, mà nó mang cả cái hồn và tình yêu của người nghệ nhân tô điểm; chính vì thế mà sản phẩm gốm, sứ Bát Tràng luôn làm hài lòng người tiêu dùng; nhiều sản phẩm tại làng nghề còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

 

Trước đây, khi dịch chưa bùng phát, ngày nào lò nung tại làng gốm cũng đỏ lửa, hoạt động liên tục với các đơn hàng tấp nập phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; nhưng từ khi dịch Covid bùng phát trở lại, đặc biệt là khi thành phố áp dụng thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội, làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ. Các đối tác nước ngoài ngừng nhập hàng, hàng sản xuất ra phải lưu kho, nên đa phần các cơ sở sản xuất phải tạm đóng cửa.

 

Chị Hoa có thâm niên bán hàng 10 năm tại cửa hàng trưng bày kiêm xưởng sản xuất Dũng Hằng của làng Giang Cao cho biết: “từ khi dịch tràn về, hàng hóa ế ẩm, hàng làm xong rồi nhưng vẫn chưa thể xuất đi Mỹ” và chỉ về phía hàng được đóng hộp xếp một góc trong cửa hàng… “còn thợ thì chưa thể lên làm được vì các chính sách phòng, chống dịch của thành phố”.

 

Tại các xưởng sản xuất trong làng gặp khó khăn là vậy, khung cảnh tại chợ gốm làng cổ Bát Tràng cũng không khả quan hơn là mấy. Chợ có diện tích khoảng 5.000 m², gồm rất nhiều gian hàng trưng bày các sản phẩm từ tinh xảo đến gia dụng bình dân nhưng vắng lặng, đìu hiu không có khách qua lại. Chủ cửa hàng kinh doanh gốm, sứ Hằng Hoan trong chợ Bát Tràng cho biết: “thành phố áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19 nên nhiều tháng nay, các cửa hàng trong chợ phải đóng cửa. Chúng tôi mới mở cửa trở lại được mấy ngày nay nhưng vắng khách”. Chẳng biết bao giờ lại trở lại hoạt động bình thường. Chứ thế này, thì khổ lắm”. 

 

“Ế lắm cháu ạ, ngày được 2 khách, ngày chẳng có khách nào! 5 giờ chiều là cô đã đóng cửa rồi… mùa dịch khó khăn, không đủ để trả tiền điện cho cửa hàng” là lời chia sẻ của chủ cửa hàng Thắng Lan tại chợ gốm, sứ truyền thống Bát Tràng và phần đông tiểu thương ở đây!

 

Thực hiện nghiêm túc yêu cầu của thành phố về phòng dịch nên cửa hàng nào ở đây cũng có mã quét QR, khách đến mua hàng đều thực hiện tuân thủ “5K” theo quy định của Bộ Y tế”. Đây cũng là một cách mà các tiểu thương ở đây chung sức cùng thành phố trong công tác chống dịch.

 

Các xe hàng đã bắt đầu vào - ra để lấy hàng xuất từ các xưởng.
Các xe hàng đã bắt đầu vào – ra để lấy hàng xuất từ các xưởng.

Chuyển mình hồi sinh

 

Để hỗ trợ các làng nghề phát triển thời gian qua, Hà Nội cũng đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ cho các làng nghề duy trì và phát triển như: chính sách phát triển các ngành nghề nông thôn, hỗ trợ kinh phí công nhận danh hiệu làng nghề. Trong năm 2020, quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cho 29 dự án tại các làng nghề Hà Nội với số vốn trên 9,7 tỷ đồng được thực hiện; triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm; đây cũng sẽ là phương án trợ giúp cho các làng nghề của thành phố Hà Nội gia tăng giá trị, thu nhập cũng như nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề.

 

Ngay trong những lúc dịch bệnh căng thẳng, chính sách ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid – 19 cho lao động hoạt động thương mại tại các làng nghề; tạo điều kiện cấp “luồng xanh” cho các xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu vào làng nghề, xe container của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ… cũng là một trong những hướng đi nhanh và thần tốc của thành phố để đảm bảo tránh đứt gẫy các chuỗi cung ứng nhất có thể.

 

Có thể thấy, Chính phủ và thành phố Hà Nội đã và đang có nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nói chung và tại các làng nghề nói riêng. Bên cạnh đó, việc triển khai bán hàng qua mạng xuất hiện tại các làng nghề trong bối cảnh đại dịch cho thấy những nỗ lực vực dậy làng nghề thời hậu Covid – 19 đang rất được quan tâm. Đây cũng chính là động lực giúp doanh nghiệp làng nghề vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp.

 

Tại làng gốm Bát Tràng, thay vì sự ảm đạm trước đó hàng quán phải đóng cửa im lìm, thì giờ đây làng gốm đã bắt đầu có sự sinh sôi và nẩy nở của sự sống, sự tấp nập thường có đã bắt đầu hiện hữu. Xe cộ đã bắt đầu ra – vào, làng nghề lại bước vào một guồng quay mới, guồng quay của những đơn hàng chuẩn bị cho một năm mới đến cận kề và những đơn hàng cũ từ các xưởng chưa kịp xuất đi để trả khách vì dịch.

 

Sau thời gian dài nghỉ dịch, các thợ gốm đã quay trở lại làm việc.
Sau thời gian dài nghỉ dịch, các thợ gốm đã quay trở lại làm việc.

Mặc dù, nhiều nơi sản xuất phải đình trệ do dịch bệnh, các cửa hàng phải đóng cửa nhưng tại làng nghề truyền thống Bát Tràng, nhiều nghệ nhân, thợ lành nghề vẫn miệt mài ngày đêm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo ra những mẫu mã mới nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 

Anh Phạm Minh Quang một thợ lành nghề của làng gốm bên sản phẩm mới được sáng tạo trong mùa dịch.
Anh Phạm Minh Quang một thợ lành nghề của làng gốm bên sản phẩm mới được sáng tạo trong mùa dịch.

Tại lò gốm thủ công của gia đình thợ lành nghề Phạm Minh Quang, một trong những học trò của cố nghệ nhân Vũ Đức Thắng. Với sự chân thành, anh chia sẻ rằng, trong suốt mùa dịch vừa qua, lò gốm nhà anh luôn đỏ lửa, mặc dù có những lúc nguồn nguyên liệu đầu vào vẫn thiếu thốn do dịch bệnh, không thể nhập được về, nhưng gia đình anh vẫn làm việc liên tục để tạo ra các sản phẩm mới dù chưa thể xuất xưởng. Vừa nói, anh vừa khoe với chúng tôi các mẫu sản phẩm mà gia đình anh vừa làm ra với khuôn mặt rạng rỡ. Có những sản phẩm mà anh còn chưa kịp đặt tên là gì? Anh quay ra hỏi tôi, hay em thử nghĩ xem, tên gì sẽ phù hợp nhỉ?

 

Các sản phẩm được gia đình anh Phạm Minh Quang làm ra trong mùa dịch với những họa tiết, màu men độc, lạ.
Các sản phẩm được gia đình anh Phạm Minh Quang làm ra trong mùa dịch với những họa tiết, màu men độc, lạ.

Một chút vui và một chút tự hào xen kẽ anh nói, có những lúc tưởng là bế tắc, nhưng càng trong những lúc như vậy, anh lại càng có nhiều động lực để sáng tạo, mặc dù để trả giá cho những sáng tạo đó là cả một sự hao hụt lớn, nhưng anh cười xòa rồi bảo. Thử làm rồi mới rút ra được nhiều kinh nghiệm.

 

Bộ 3 bình được vuốt bằng tay sản phẩm của gia đình anh Phạm Quang Minh được trưng bầy tại không gian chay Bát Tràng.
Bộ 3 bình được vuốt bằng tay sản phẩm của gia đình anh Phạm Quang Minh được trưng bầy tại không gian chay Bát Tràng.

Gặp lại anh sau nhiều lần ghé thăm làng nghề, điều đọng lại trong tôi về anh đó là một người mộc mạc chân chất của một người làm thợ, chẳng màng đến thế sự, thời cuộc. Anh chỉ cần mẫn, xoay quanh với những tác phẩm của mình và không ngừng sáng tạo. Chắc chắn với anh, gốm không chỉ là niềm đam mê, mà còn là cái tâm của một người thợ yêu nghề; cống hiến hết mình, đổ mồ hôi, nước mắt để mang đến cuộc đời những tác phẩm có giá trị và ý nghĩa nhân văn.

 

 Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt được thiết kế
 Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt được thiết kế “độc lạ” tại làng gốm Bát Tràng.

Có thể thấy, khi đại dịch qua đi, cuộc sống trở lại bình thường mới, để phát triển và phục hồi kinh tế cho một làng gốm nghìn năm tuổi này, thì tập trung khôi phục sản xuất sau dịch thôi có lẽ là chưa đủ, mà các cấp lãnh đạo và người dân làng nghề gốm sứ Bát Tràng sẽ cần phải chú trọng thêm nữa để mở rộng, nâng cao chất lượng về dịch vụ du lịch, hướng đến giới trẻ nhiều hơn nữa. Đây cũng là một lượng khách hàng tiềm năng giúp cho làng nghề phát triển và phục hồi nhanh hơn thông qua những hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch làng nghề.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích