Vĩnh Phúc: Tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm
(Xây dựng) – Sáng 26/9, các đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp nghe các Sở, ngành liên quan báo cáo quy hoạch giao thông vận tải và tình hình thực hiện một số dự án, công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị. |
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 7.918km, trong đó, đường sắt là 35km và đường thủy là 75km. Theo phân cấp, Sở Giao thông vận tải được giao quản lý 24 tuyến đường, tương ứng 509,7km.
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ được tích hợp theo quy hoạch mạng lưới đường bộ gồm các tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô, Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2D.
Đường tỉnh và tương đương gồm 47 tuyến, trong đó có 5 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 1.132km.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thành các trục giao thông quan trọng như trục Bắc – Nam, trục Đông – Tây, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô; cơ bản hoàn thành bảo đảm khép kín 5 tuyến đường vành đai cấp tỉnh; nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng đối với toàn bộ hệ thống đường tỉnh hiện hữu; xây dựng mới một số tuyến đường tỉnh theo quy hoạch; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng một số nút giao khác mức để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực thành phố Vĩnh Yên…
Tại cuộc họp, đại diện các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã báo cáo tiến độ, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện một số công trình, dự án giao thông đối ngoại quan trọng trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên – Việt Trì do Ban Quản lý các dự án đường thủy, Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư hơn 1.258 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 800 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách của tỉnh hơn 458 tỷ đồng.
Đến nay, dự án đã được chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế; tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn giám sát.
Các cơ quan chuyên môn của tỉnh do Sở Giao thông vận tải làm đầu mối đã phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất phương án tính toán, phân khai khối lượng và nguồn vốn thực hiện. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa được phân bổ nguồn vốn đầu tư công thuộc ngân sách tỉnh.
Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Bộ Giao thông vận tải giao tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các địa phương có tuyến đường đi qua gồm Vĩnh Tường, Yên Lạc và Tam Dương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, dự án có khối lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn, phải bố trí tái định cư, trong khi đó vẫn chưa có hướng dẫn về việc triển khai giải phóng mặt bằng với 2 nguồn vốn… nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án giao thông trọng điểm. |
Đối với Dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (tuyến đường Vành đai 5 – Thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường Vành đai 5 với Quốc lộ 2B đến Tây Thiên, đi Quốc lộ 2C và Tuyên Quang), đến nay, tổng số vốn đã bố trí cho dự án là hơn 1.000/1.800 tỷ đồng; giá trị giải ngân là 588,2 tỷ đồng. Tổng khối lượng, giá trị thực hiện thi công đến hết tháng 8/2024 đạt 12,6%.
Hiện nay, dự án cũng gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa; bàn giao diện tích đất thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo; xác định địa điểm xây dựng các khu tái định cư và mở rộng nghĩa trang nhân dân; di chuyển đường điện, đường nước…
Về tình hình triển khai Dự án mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị Mê Linh, dự án đã thực hiện được 40% khối lượng công việc; tổng số vốn bố trí cho dự án là gần 463/745 tỷ đồng; giá trị giải ngân là 362,5 tỷ đồng.
Liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự án đã thực hiện xong 1,1km chiều dài tuyến đường thuộc địa phận huyện Mê Linh (Hà Nội); 650m thuộc địa phận huyện Bình Xuyên đã được bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh để thực hiện dự án, tuy nhiên, vẫn còn 5 hộ chưa nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, UBND huyện Bình Xuyên chưa phê duyệt giá đất cụ thể đối với dự án nên chưa thể lập và phê duyệt được phương án bồi thường để tiếp tục chi trả và hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế; 1,5km còn lại thuộc địa phận thành phố Phúc Yên đã ra thông báo thu hồi đất, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện xong công tác kiểm đếm…
Để bảo đảm tiến độ triển khai các dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu các Sở, ngành, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Liên quan tới vướng mắc trong phân bổ nguồn vốn, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông đề nghị Ban Quản lý các dự án đường thủy tiếp tục triển khai trước dự án bằng vốn ngân sách Trung ương. Về phần kinh phí của địa phương, Vĩnh Phúc cam kết sẽ bố trí nguồn vốn đầu tư công thuộc ngân sách tỉnh ngay sau khi luật sửa đổi, trong đó có Luật Ngân sách Nhà nước có hiệu lực.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện phương án tái định cư đảm bảo đúng quy định và quyền lợi của người dân.
Đồng thời, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển đổi đất trồng lúa, đất rừng đối với dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô; đôn đốc nhà thầu tranh thủ diện tích đã giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Nguồn: Báo xây dựng