Đồng Nai: Đề xuất chỉnh trang và bổ sung nhà vệ sinh công cộng
(Xây dựng) – Tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), hiện nhiều khu vực công cộng không có nhà vệ sinh công cộng hoặc có nhưng hầu như chỉ phục vụ nội khu, số khác thì nhếch nhác, không đảm bảo.
Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đang hướng tới một đô thị văn minh nhưng trên thực tế hiện nay nhà vệ sinh công cộng đang thiếu trầm trọng. (Ảnh: Nguyễn Đức) |
Mới đây, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có buổi làm việc với Sở Xây dựng tỉnh này về vấn đề liên quan đến chỉnh trang đô thị, trong đó có việc “chỉnh đốn”, thay đổi cách nhìn về việc tạo dựng, quản lý vận hành hệ thống nhà vệ sinh công cộng.
Thiếu, quá tải và nhếch nhác
Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện theo kết quả khảo sát ở thành phố Biên Hòa, tại các khu vực là công trình công cộng như trường học, bệnh viện, bến xe, cơ quan… hầu hết các nhà vệ sinh gần như chỉ phục vụ nội khu. Tại một số khu vực như công viên B5, các cây xăng, có bố trí nhà vệ sinh công cộng nhưng quy mô nhỏ, thiếu quản lý, mất vệ sinh.
Trong đó, đặc biệt là khu vực các nhà vệ sinh trong trường học hầu hết còn chưa đạt yêu cầu sử dụng. Nhiều nơi nhà vệ sinh xuống cấp, nhiều nơi quá tải. Hầu hết các nhà vệ sinh ẩm thấp, thiếu ánh sáng, thiếu nguồn nước, thậm chí nhiều nơi còn để các thiết bị như vòi nước, bồn rửa tay, bệ tiểu, máng tiểu hư hỏng nặng…
Trong khi đó, tại các bến xe, trạm dừng chân, trạm xăng dầu, đặc biệt là trên dọc các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường chính đô thị, các công viên công cộng… tình trạng bất cập về nhà vệ sinh càng thấy rõ. Có nơi bước vào nhếch nhác đến thấy… hãi, nơi thì dường như khắp tuyến, khắp vùng không thấy nổi… một nhà vệ sinh công cộng.
Cũng theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, trong vấn đề chỉnh trang đô thị, cần chú ý đến việc chỉnh trang, xây dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng sạch đẹp, đây là điều tối thiểu, cần thiết và quan trọng. Do đó, theo Sở này, trước tiên cần xác định các vị trí, khu vực, công trình bắt buộc phải bố trí xây dựng nhà vệ sinh công cộng. Cụ thể đó là các bến xe, trạm dừng chân, trạm xăng dầu; đặc biệt là trên dọc các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường chính đô thị, tại các công viên công cộng. “Trong đó, phải cải tạo, sửa chữa các khu vực vệ sinh tại các trường học, đây là việc phải ưu tiên trước nhất. Vì đây là môi trường ảnh hưởng lớn đến giáo dục ý thức, trách nhiệm và tác phong của thế hệ trẻ”, một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai chia sẻ.
Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra ý kiến, sau đó cần bố trí các nhà vệ sinh công cộng theo nhiều hình thức, từ cố định đến lưu động (modul theo từng cabin). Trong đó, nhìn nhận hình thức nhà vệ sinh công cộng cũng có nhiều ưu điểm như tiết kiệm đất, dễ di chuyển, giảm thời gian xây dựng cũng như thuận tiện trong quản lý, duy tu, vệ sinh.
Bên cạnh đó, thực hiện theo hình thức lưu động cũng có thể chủ động trong việc tăng, giảm, thay đổi vị trí, tùy theo nhu cầu khi có sự kiện tập trung đông người. Ngoài ra, khi thực hiện mô hình này cũng có thể kết hợp quảng cáo, tuyên truyền, tạo kinh phí.
Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố làm việc với các chủ đầu tư, đơn vị quản lý các công trình công cộng để có kế hoạch cải tạo, bố trí xây dựng nhà vệ sinh công cộng, mục tiêu trước tiên là phải có và có đủ nhà vệ sinh đáp ứng nhu cầu, thuận tiện, sạch sẽ, văn minh.
Công trình phụ mà… không phụ
Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cũng dẫn chứng, tầm quan trọng và tiêu chí của nhà vệ sinh công cộng hiện nay chính là một trong những yếu tố làm “thước đo” của văn minh.
Theo đó, Sở này dẫn chứng, hiện nay trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã có 371 nhà vệ sinh công cộng, trong đó có 113 nhà vệ sinh bằng vỏ thép, hầu hết được xây dựng từ năm 2003 – 2010, số còn lại là nhà vệ sinh bằng gạch, hầu hết được xây dựng từ trước năm 1990. Mới đây, Thành phố Hà Nội vừa xây thêm gần 100 nhà vệ sinh và dự kiến sẽ bổ sung thêm rất nhiều nhà vệ sinh khác vì nhu cầu quá lớn.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay có 208 nhà vệ sinh công cộng có thu phí, trong đó 155 nhà vệ sinh công cộng tập trung ở các tuyến đường, bến xe, chợ và khu du lịch. Về cơ bản các nhà vệ sinh cũng chưa đạt chuẩn, số lượng chưa đủ và bố trí chưa phù hợp. Hiện nay, nhu cầu xây thêm cũng rất lớn, Thành phố Hồ Chí Minh đang kêu gọi xã hội hóa để thực hiện.
Tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), địa phương vừa đưa 5 nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn 5 sao vào sử dụng. Mỗi nhà vệ sinh có diện tích từ 40m2 đến 130m2, vòi rửa, máy sấy tay hoạt động theo công nghệ cảm biến nhiệt, 1/3 diện tích bên ngoài được làm cửa hàng cho thuê, khu vực cửa chính và cửa sổ được lắp camera. Kinh phí đầu tư mỗi nhà vệ sinh từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng, theo hình thức xã hội hóa, trong đó thành phố Hạ Long hỗ trợ 50%.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, trong khi nhiều nơi đang loay hoay với việc thiếu nhà vệ sinh công cộng, thì thành phố Đà Nẵng có cách làm mới, hay và hiệu quả. Theo đó, từ năm 2015 mô hình xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng với sự tham gia tự nguyện của hàng trăm chủ khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng… đã được khởi xướng, phát động.
Hệ thống nhà vệ sinh sau đó được dán logo cùng các thông điệp “Free Restroom”, “Thoải mái như ở nhà” ra trước mặt tiền để du khách nhận biết và vào sử dụng miễn phí. Đặc biệt là các ứng dụng tìm nhà vệ sinh trên điện thoại di động, khi sử dụng sẽ hiển thị bản đồ vị trí nơi du khách, người dân đang đứng, vị trí các cơ sở có nhà vệ sinh tham gia dự án cùng thời gian và đường đi nhanh nhất giúp mọi người dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn nhà vệ sinh miễn phí gần nhất.
Hệ thống nhà vệ sinh theo mô hình này đã nhận được nhiều đánh giá tích cực, mang lại ấn tượng tốt đẹp. Ngoài ra, hệ thống này giúp tiết kiệm được kinh phí đầu tư, chuyên nghiệp hơn trong quản lý, không phải tìm vị trí lắp đặt… Bên cạnh đó, khi duy trì các nhà vệ sinh công cộng, có thể vừa quảng cáo, kết nối doanh nghiệp với những khách hàng tiềm năng.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, hiện nay về việc phát triển du lịch và nguồn thu từ du lịch của tỉnh Đồng Nai chưa thể so sánh với thành phố Đà Nẵng, nhưng cũng cần thiết trước hết phải có đủ hệ thống nhà vệ sinh công cộng thuận tiện và sạch sẽ, để phục vụ người dân cũng như thu hút khách du lịch, ấn tượng tốt với khách ngoài tỉnh.
Riêng với thành phố Biên Hòa, hiện là đô thị lớn với khoảng 1,3 triệu dân, đang hướng tới một đô thị văn minh đúng nghĩa, song trên thực tế hiện nay nhà vệ sinh công cộng đang rất thiếu. Anh Nguyễn Đình Bắc (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cho hay, anh thường đưa 2 con ra trung tâm thành phố Biên Hòa để dạo chơi, tuy nhiên những lúc cần thì tìm không thấy nhà vệ sinh công cộng vì thế người lớn thì cố nhịn còn con trẻ thì phải xử lý một cách “chẳng đặng đừng”.
“Có thể nói, mức độ phát triển của một quốc gia có thể đánh giá qua nhà vệ sinh công cộng, và đã là đô thị văn minh thì không thể thiếu nhà vệ sinh công cộng, đây đúng là công trình phụ mà không hề phụ”, anh Nguyễn Đình Bắc chia sẻ.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, không chỉ thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh mà tại các huyện như Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch cũng sẽ sớm trở thành đô thị phát triển trong tương lai. Hiện tại, ở các khu vực này đang được chú trọng đầu tư các hoạt động dịch vụ, thương mại, giải trí, công viên, tuy nhiên việc đầu tư nhà vệ sinh công cộng chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Đồng Nai trở thành một “cửa ngõ” của cả nước, là điểm đến của du khách, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, nên việc quan tâm đầu tư hệ thống nhà vệ sinh công cộng văn minh là điều không thể xem nhẹ.
Nguồn: Báo xây dựng