Đồng Nai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa công trình kiến trúc “nhà lầu ông Phủ”

(Xây dựng) – Liên quan biệt thự “nhà lầu ông Phủ” có nguy cơ bị đập bỏ khi thi công dự án đường ven sông Đồng Nai được dư luận quan tâm trong những ngày qua, sau khi nghe các đơn vị liên quan báo cáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai quyết định giữ lại công trình cổ 100 năm tuổi này để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc.

Đồng Nai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa công trình kiến trúc “nhà lầu ông Phủ”
UBND tỉnh Đồng Nai quyết định giữ lại công trình cổ 100 năm tuổi “nhà lầu ông Phủ” để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc. (Ảnh: Nguyễn Đức)

Ông Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai đã ký công văn gửi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Thường trực Thành ủy Biên Hòa về việc nghiên cứu vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa công trình kiến trúc “nhà lầu ông Phủ” thuộc dự án đường ven sông Đồng Nai. Công văn nêu rõ, trong những ngày qua, báo chí phản ánh về việc công trình kiến trúc “nhà lầu ông Phủ” trăm năm tuổi ở thành phố Biên Hòa thuộc dự án đường ven sông Đồng Nai có nguy cơ bị tháo dỡ; đồng thời nhiều ý kiến của các chuyên gia và người dân Biên Hòa bày tỏ ý kiến cần tính toán bảo tồn công trình. Từ đó, HĐND tỉnh Đồng Nai có ý kiến đề nghị các cơ quan liên quan có phương án phù hợp.

Giữ lại “vốn cổ”

Trong khi dư luận đang “nóng” lên, cùng với công văn của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã đưa ra quyết định về ngôi biệt thự “nhà lầu ông Phủ”. Theo đó, sau khi nghe ý kiến của các Sở, ngành, đơn vị liên quan báo cáo về tình hình xung quanh ngôi biệt thự cổ 100 tuổi nằm trong dự án ven sông Đồng Nai (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai quyết định giữ lại công trình để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã giao UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của ngôi biệt thự này.

Ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai cho biết, đây là ngôi biệt thự có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa, được xây dựng cùng thời với Tòa bố hành chính Biên Hòa vào đầu thế kỷ 20. Vì vậy giữ được ngôi biệt thự cổ này cũng là tạo sự kết nối về văn hóa, lịch sử, du lịch tuyến sông Đồng Nai và tuyến các di tích lịch sử, du lịch, khám phá các công trình cổ trên bờ.

Còn ông Nguyễn Hồng Ân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở mong muốn giữ lại ngôi biệt thự cổ này. Ngôi biệt thự nằm trên khu vực giải tỏa để làm dự án đường ven sông Đồng Nai và thuộc quản lý của tư nhân, nên nhà nước nên mua lại để sử dụng, bảo tồn theo hình thức di sản văn hóa, phát triển du lịch và làm thành “điểm nhấn” cho tuyến đường ven sông.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết, biệt thự Đốc phủ Võ Hà Thanh (dân gian gọi là “nhà lầu ông Phủ”) được xây năm 1922, hoàn thành năm 1924, nhiều năm không được trùng tư, tôn tạo nên xuống cấp, hư hỏng. Từ năm 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy một số giá trị về mặt kiến trúc của công trình nên đề nghị bổ sung vào danh mục xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Ban Quản lý di tích danh thắng nhiều lần liên hệ gia đình phối hợp lập hồ sơ xếp hạng di tích, nhưng phía chủ nhà không đồng ý do “đang tranh chấp quyền sở hữu trong thế hệ con cháu”. Do vậy, Sở đành phải dừng việc lập hồ sơ.

Biệt thự trăm tuổi nằm trong dự án đường ven sông Đồng Nai dài 5,2km (từ cầu Hóa An, thành phố Biên Hòa đến xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) tổng vốn 1.300 tỷ đồng, khởi công cách đây 3 năm, hiện vẫn chưa hoàn thành do vướng mặt bằng. Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa, là chủ đầu tư, cho hay khi xác định khoảng 2/3 ngôi biệt thự có thể phải đập bỏ do nằm trong phạm vi dự án, người quản lý ngôi biệt thự là bà Đặng Thị Linh Phương (thế hệ con cháu chủ ngôi biệt thự xưa) đã bày tỏ nguyện vọng muốn giữ lại ngôi biệt thự cổ. Ngôi biệt thự diện tích sử dụng hàng nghìn m2 và khu đất này thời điểm lập bảng giá bồi thường giải tỏa dự án đường ven sông được định giá 5,4 tỷ đồng.

Theo tài liệu, chủ biệt thự xưa, ông Võ Hà Thanh (1876-1947) quê Quảng Ngãi theo cha vào Biên Hòa từ lúc còn nhỏ. Từ người làm thuê sau đó ông giành dụm làm ăn phát đạt, mở được cả hầm khai thác đá, lập đồn điền cao su, rồi làm chức Đốc phủ sứ, một chức quan cao cấp dành cho người Việt Nam trong bộ máy hành chính dưới thời Pháp.

Ngày 26/9, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi UBND thành phố Biên Hòa đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm ngưng thi công đối với đoạn tuyến đi qua khu vực ngôi biệt thự cổ, chờ chỉ đạo của UBND tỉnh.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 27/9, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết hiện địa phương đã tính toán đến một số phương án bảo tồn ngôi biệt thự cổ “nhà lầu ông Phủ” mà vẫn đảm bảo thi công công trình đường ven sông theo quy định của pháp luật. Ba phương án, gồm: Một là, nghiên cứu, khảo sát xem xét nắn tuyến hoặc bóp vỉa hè; hai là hướng đến việc triển khai đường đi vòng quanh như ở Nhà thờ Đức Bà tại Thành phố Hồ Chí Minh; ba là xem xét phương án dời lùi biệt thự vào phía trong.

Đồng Nai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa công trình kiến trúc “nhà lầu ông Phủ”
Ngôi biệt thự có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa, được xây dựng cùng thời với Tòa bố hành chính Biên Hòa vào đầu thế kỷ 20. (Ảnh: Nguyễn Đức)

Nhiều di tích đang xuống cấp

Không chỉ ngôi biệt thự “nhà lầu ông Phủ” đang “kêu cứu”, hiện nay tại thành phố Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai, nhiều di tích lịch sử – văn hóa – cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Chẳng hạn như di tích Thành cổ Biên Hòa (phường Quang Vinh, trung tâm thành phố Biên Hòa) có tuổi đời trên 300 năm, được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2013. Từ năm 2014 -2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã chi hơn 41 tỷ đồng để trùng tu một số hạng mục của tòa thành như: Nhà cổ phía Đông và phía Tây, hàng rào thành… nhưng đến nay tình trạng chung cho thấy vẫn tiếp tục phải đầu tư để giữ cho di tích này không bị xuống cấp và nhếch nhác.

Tương tự, khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) được xếp hạng di tích quốc gia năm 1990, hiện nay dường như bị lãng quên trong khu vực hoang vắng, không có khách tham quan. Năm 2009, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 343/QĐ-UBND duyệt dự án Đầu tư xây dựng bảo tồn tôn tạo khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức. Một năm sau, Ban Quản lý dự án thuộc UBND thành phố Biên Hòa có Quyết định số 429/QĐ-QLDA duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán công trình. Thế nhưng, đến nay do vướng giải phóng mặt bằng, UBND thành phố Biên Hòa là chủ đầu tư, vẫn chưa thể tiến hành.

Bên cạnh “nhà lầu ông Phủ”, thành cổ Biên Hòa, lăng mộ Trịnh Hoài Đức, tỉnh Đồng Nai còn có nhiều di tích văn hóa – lịch sử- kiến trúc có giá trị như đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân, Thất Phủ cổ miếu, chùa Đại Giác… cũng đang trong cảnh chờ vốn để trùng tu, tôn tạo. Di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991 gồm 2 phần là khu đền thờ và khu mộ. Khu vực đền thờ đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai trùng tu và tôn tạo, tuy nhiên, khu mộ không có trong các hạng mục trùng tu, tôn tạo nêu trên. Trải qua thời gian dài, chịu sự tác động của thời tiết mưa nắng, hiện nay một số hạng mục kiến trúc tại khu mộ đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, hiện Sở đang trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, lộ trình đến năm 2030. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo theo lộ trình.

“Năm 2024, chúng tôi có hàng loạt dự án trùng tu, tôn tạo di tích đang triển khai, trong đó tại thành phố Biên Hòa có dự án Bảo tồn, tôn tạo khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức, dự án Mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh Thiên Địa Hội, mộ Nguyễn Hữu Cảnh; tại huyện Tân Phú có dự án Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương ở xã Phú Sơn… Hàng loạt di tích khác trên địa bàn tỉnh cũng đang trong quá trình khảo sát, đánh giá hiện trạng xuống cấp để tham mưu UBND tỉnh chủ trương đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị di tích”, ông Nguyễn Hồng Ân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết.

Trở lại với di tích “nhà lầu ông Phủ”, theo Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Nai, trong trường hợp ngành chức năng thương lượng để gia đình chuyển giao toàn quyền quản lý ngôi nhà cho Nhà nước trùng tu bảo quản, xây dựng thành điểm tham quan, tìm hiểu về giá trị kiến trúc nghệ thuật, hoặc nhà trưng bày, triển lãm thì sẽ phát huy tốt những giá trị kiến trúc của công trình cổ. “Giữ lại biệt thự cổ sẽ bảo tồn được giá trị kiến trúc của ngôi nhà, tạo điểm nhấn văn hóa kiến trúc, điểm kết nối du lịch văn hóa trên sông Đồng Nai và các di tích khác, vừa đảm bảo pháp lý trong công tác bảo tồn, vừa khai thác giá trị của công trình trong tương lai”, ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai, chia sẻ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích