Vĩnh Phúc: Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông đối ngoại
(Xây dựng) – Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông khi đi kiểm tra thực tế các dự án giao thông đối ngoại quan trọng đang triển khai thi công trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông kiểm tra thực tế dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên – Việt Trì. |
Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên – Việt Trì có tổng mức đầu tư 1.258 tỷ đồng do Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án đã được chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế; tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn giám sát. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất phương án tính toán, phân khai khối lượng và nguồn vốn thực hiện.
Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh thực hiện. Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao các huyện có tuyến đường đi qua gồm Vĩnh Tường, Yên Lạc và Tam Dương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do dự án có khối lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn, phải bố trí tái định cư, nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp một số khó khăn.
Dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (tuyến đường Vành đai 5 – Thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường Vành đai 5 với Quốc lộ 2B đến Tây Thiên, đi Quốc lộ 2C và Tuyên Quang) có tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng với tổng chiều dài là 26,7km.
Đến nay, tổng số vốn đã bố trí cho dự án là hơn 1.000 tỷ đồng, giá trị giải ngân là 588,2 tỷ đồng. Tổng khối lượng thực hiện thi công đến hết tháng 8/2024 đạt 12,6%.
Tuy nhiên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa; bàn giao diện tích đất thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo; xác định địa điểm xây dựng khu tái định cư và mở rộng nghĩa trang nhân dân; di chuyển đường điện, đường nước. Ngoài ra, các địa phương vẫn chưa có bảng giá đất cụ thể đối với dự án nên chưa thể lập và phê duyệt được phương án bồi thường.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông kiểm tra thực tế dự án mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị Mê Linh. |
Dự án mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị Mê Linh là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh. Dự án có tổng mức đầu tư 745 tỷ đồng, được UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình có chiều dài hơn 3,2km, chạy qua địa phận các huyện Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên và Mê Linh (Hà Nội).
Đến thời điểm hiện tại, dự án đã thực hiện được 40% khối lượng công việc; tổng số vốn đã bố trí cho dự án là hơn 462 tỷ đồng; giá trị giải ngân là 362,5 tỷ đồng.
Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự án đã thực hiện xong 1,1km chiều dài tuyến đường thuộc địa phận huyện Mê Linh; 650m thuộc địa phận huyện Bình Xuyên đã được bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh để thực hiện dự án, tuy nhiên, vẫn còn 5 hộ chưa nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, UBND huyện Bình Xuyên vẫn chưa phê duyệt giá đất cụ thể đối với dự án nên chưa thể lập và phê duyệt phương án bồi thường để tiếp tục chi trả và hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế; 1,5km còn lại thuộc địa phận thành phố Phúc Yên đã ra thông báo thu hồi đất, tuy nhiên vẫn chưa thực hiện xong công tác kiểm đếm.
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo tiến độ triển khai các dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đề nghị các Sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đồng thời rà soát điều chỉnh quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế; tổng hợp kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ để trình UBND tỉnh trong cuộc họp gần nhất.
Chia sẻ những khó khăn với các chủ đầu tư và đơn vị thi công, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu các chủ đầu tư và đơn vị liên quan cần bám sát hiện trường, đôn đốc đơn vị thi công bố trí thời gian thi công hợp lý để đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát chặt chẽ chất lượng công trình, bảo đảm an toàn trong quá trình thi công và hoàn thành công trình đúng tiến độ.
Nguồn: Báo xây dựng