Phương án bảo tồn biệt thự trăm năm tuổi “nhà lầu ông Phủ” ở Biên Hòa
(Xây dựng) – Liên quan đến công trình biệt thự cổ Đốc phủ Võ Hà Thanh (còn gọi là “nhà lầu ông Phủ”), Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai vừa đề xuất 4 phương án để bảo tồn. Trước đó, Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã có ý kiến giữ lại ngôi biệt thự này để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc.
Đồng Nai đang lên phương án bảo tồn biệt thự cổ “nhà lầu ông Phủ”. |
Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết đã gửi văn bản sang UBND thành phố Biên Hòa, Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa và UBND phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa đề nghị tạm dừng thi công Dự án đường ven sông Đồng Nai (từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu), đoạn qua khu vực biệt thự cổ “nhà lầu ông Phủ”.
Biệt thự cổ có kiến trúc kiểu Pháp
Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, ngôi biệt thự cổ “nhà lầu ông Phủ” nằm ở vị trí bên phải công trình đường ven sông Đồng Nai, cách cầu Hóa An khoảng 4,3km. Biệt thự rộng cả nghìn m2, hai tầng, có kết cấu nền đá, bê tông cốt thép, mái ngói, được xây dựng năm 1922, hoàn thành năm 1924.
Cũng theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, biệt thự “nhà lầu ông Phủ” mang kiến trúc kiểu Pháp, nguyên vật liệu xây dựng được mang về từ Pháp vào đầu thế kỷ 20. Sở này cho biết, đây là một trong hai khu biệt thự cổ của tư nhân có kiến trúc cổ kiểu Pháp còn lại ở Đồng Nai (khu biệt thự cổ khác nằm ở phường Suối Tre, thành phố Long Khánh).
Đối với “nhà lầu ông Phủ”, do là công trình nhà ở nên được điều chỉnh bởi Luật Kiến trúc năm 2019 và Luật Nhà ở sửa đổi năm 2023. Hiện công trình cổ này chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 85/2020/NĐCP, có thể rà soát đánh giá, đưa công trình vào danh mục công trình nhà ở kiến trúc có giá trị, trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức quản lý.
Từ cơ sở pháp lý, giá trị lịch sử và thực tiễn như trên, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp để giữ lại công trình biệt thự cổ “nhà lầu ông Phủ”.
Trong diễn biến mới nhất, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai vừa đề nghị UBND thành phố Biên Hòa, Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa chỉ đạo các đơn vị có liên quan lập tức tạm ngưng thi công đối với đoạn tuyến đi qua khu vực biệt thự “nhà lầu ông Phủ”; giữ nguyên trạng và tổ chức bố trí rào giới hạn ra vào khu vực, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và an toàn lao động đến khi có chỉ đạo của UBND tỉnh.
“Tại khu vực ngôi biệt thự cổ, có các hố đào khi thi công đường, yêu cầu Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa đánh giá xác định xem có ảnh hưởng đến công trình biệt thự cổ hay không để có hướng xử lý”, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đưa ý kiến.
4 giải pháp bảo tồn biệt thự cổ
Trước đó, liên quan đến công trình biệt thự “nhà lầu ông Phủ”, Tỉnh ủy Đồng Nai đã có ý kiến về việc giữ lại ngôi biệt thự để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Cùng với đó, Sở Xây dựng đã đưa ra 4 giải pháp để bảo tồn biệt thự cổ. Phương án một là di dời ngôi biệt thự, hai là nắn tuyến đường ven sông tránh biệt thự, ba là tạo vòng xuyến quảng trường bao quanh biệt thự cổ và phương án bốn là dùng giải pháp giao thông khác cote, kết hợp đảo hoa viên bao quanh biệt thự cổ.
Trong đó, với phương án một là di dời biệt thự cổ Nhà nước sẽ bỏ kinh phí thuê các đơn vị có kinh nghiệm, năng lực để thực hiện di dời. Thực hiện phương án này phải đối chiếu quy hoạch, xác định dự án đầu tư để thu hồi thêm đất, giải tỏa mặt bằng phía sau ngôi biệt thự, vì vậy thời gian sẽ kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thi công tuyến đường ven sông.
Về phương án hai là nắn tuyến đường ven sông, theo tính toán phạm vi đường ven sông lấn vào biệt thự cổ là 12,7m, phạm vi từ kè sông đến vỉa hè tuyến đường là 14,7m, theo đó vẫn đủ để thực hiện nắn tuyến.
Phương án ba là tạo vòng xuyến quảng trường bao quanh biệt thự cổ, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai xác định có thể quy hoạch lại cảnh quan tôn tạo biệt thự cổ thành quảng trường gốm sứ (trong trường hợp Nhà nước chấp thuận trưng dụng toàn bộ biệt thự cổ cải tạo thành bảo tàng gốm sứ). Với phương án này, tuyến đường ven sông qua khu vực sẽ hướng thành 2 nhánh, “ôm” lấy khu việt thự.
Phương án 4, giao thông khác cote, kết hợp đảo hoa viên bao quanh biệt thự cổ. Nếu dùng phương án này thì đoạn đường ven sông sẽ thiết kế khác cote với chiều dài lớn hơn 600-700m, bề rộng cầu 24m, chiều cao thông thủy 11-12m. Tại vị trí cote 0.00 vẫn tổ chức đảo hoa viên, xung quanh biệt thự cổ cũng hình thành khu bảo tàng gốm sứ chẳng hạn. Tuy nhiên, phương án này cũng phát sinh thêm phần diện tích đất phải thu hồi, chi phí cũng tăng cao…
Hiện tại, UBND tỉnh Đồng Nai đang xem xét sau khi ngôi biệt thự cổ được giữ lại, sẽ giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, trình cơ quan có thẩm quyền công nhận công trình cổ là di tích lịch sử – văn hóa, để quản lý theo quy định. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Biên Hòa sẽ có trách nhiệm tổ chức rà soát, đánh giá hồ sơ tư liệu công trình, nhà ở để lập danh mục công trình, nhà ở có giá trị nghệ thuật, kiên trúc, văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức quản lý theo quy định pháp luật.
Đồng thời, UBND thành phố Biên Hòa sẽ có trách nhiệm lập dự án tu bổ, cải tạo ngôi biệt thự “nhà lầu ông Phủ”, lập phương án quản lý, khai thác, vận hành, phát huy giá trị của công trình cổ.
Nguồn: Báo xây dựng