Đồng Nai: Cần đầu tư thêm thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng

(Xây dựng) – Biên Hòa, một đô thị lớn nhưng còn thiếu nhiều thiết chế văn hóa như: Nhà hát, trung tâm văn hóa, nhà tang lễ, quảng trường, sân vận động vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoặc đã được xây dựng nhưng chưa xứng tầm quy mô. Sở Xây dựng mới đây đã đề xuất tỉnh “nhà” cần đầu tư thêm một số công trình văn hóa phục vụ tinh thần cho người dân như: Quảng trường Thành cổ, quảng trường Sông Phố.

Đồng Nai: Cần đầu tư thêm thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng
Khu vực quảng trường Sông Phố, Sở Xây dựng Đồng Nai đề xuất chỉnh trang thành quảng trường tuyến. (Ảnh: Thìn Nguyễn)

Điểm lại, Biên Hòa hiện có Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện của tỉnh, nơi vẫn được xem là quảng trường của đô thị Biên Hòa cũng như tỉnh Đồng Nai lại có quy mô chưa tương xứng với vị thế của một đô thị loại I; Một địa danh đã đi vào lịch sử của Biên Hòa từ những năm trước 1945 là quảng trường Sông Phố là tên gọi địa danh quen thuộc đối với người dân (đúng hơn đây là 01 bùng binh trung tâm quy mô nhỏ với nhiều dấu ấn lịch sử); Quảng trường Aqua điểm đến nổi tiếng để nhận diện nhưng hiện vẫn chủ yếu phục vụ cư dân đô thị Aqua.

Tương lai, hy vọng Quy hoạch 325ha khu vực chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị và trung tâm chính trị hành chính của tỉnh sẽ có không gian tổ chức quảng trường trung tâm, quảng trường nước… nhưng để biến ý tưởng trở thành hiện thực thì còn cần nhiều quy trình, nguồn lực và thời gian. Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã đề xuất một số ý tưởng có thể biến đổi, chỉnh trang và hình thành các quảng trường thiết thực nhất, gắn với các địa danh, dấu tích của lịch sử Biên Hòa, có thể tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa phục vụ tinh thần cho người dân.

Quảng trường Thành cổ, giữa lòng thành phố Biên Hòa còn tồn tại 1 phần di tích thành cổ, nó vẫn tồn tại và im lìm lặng lẽ và dường như bị lãng quên giữa lòng đô thị, nơi người dân địa phương qua lại nhưng mấy ai biết rằng nơi đây là dấu ấn một thời hình thành phát triển hơn 325 năm của Biên Hòa.

Xưa kia, phạm vi thành bao rộng theo tài liệu ghi chép lại thì khoảng 18ha, đến năm 1861 thành rơi vào tay thực dân Pháp thu gọn chu vi thành chỉ còn 1/8 so với trước. Đây được xem là công trình kiến trúc quân sự lớn thứ hai ở Nam Bộ, chỉ sau thành Gia Định, thành cổ duy nhất ở Nam Bộ còn tồn tại đến ngày nay. Đây là Di tích lịch sử cấp quốc gia, được trùng tu vào năm 2014.

Khu đất diện tích 1ha, vị trí đẹp, án ngữ ngay điểm nhìn trục chính đường Phan Chu Trinh nối thẳng đối diện với sông Đồng Nai. Bên ngoài, trên cổng ra vào một tấm biển to còn mới toanh ghi rõ: Tổ quản lý di tích – Thư viện. Phải nhìn thật kỹ mới thấy ở góc tối, dòng chữ: “Di tích lịch sử Thành Biên Hòa” bằng đồng đen đã ngả màu tối sậm.

Án ngữ ngay mặt tiền là dãy nhà 2 tầng bê tông cũ kỹ, kiến trúc hoàn toàn không tương đồng với tổng thể dùng làm nơi làm việc nhưng luôn thấy cửa đóng then cài. Được biết, dãy nhà này đã có dự án tháo dỡ để khôi phục lại cổng thành và bức tường thành nhưng mãi đến nay vẫn chưa đủ kinh phí thực hiện.

Đồng Nai: Cần đầu tư thêm thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng
Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đề xuất không gian Thành cổ sẽ tổ chức theo hình thái quảng trường đóng, tạo một không gian độc lập, giống như một căn phòng ngoài trời.

Khu đất này là khoảng đất trống rộng bát ngát, nền đất được cải tạo và trồng cỏ. Tường bao quanh thành dường như được xây mới. 2 tòa nhà phía Tây và Đông sừng sững với những nét cổ kính xưa cũ, khuôn viên còn chứa nhiều vật dụng bàn ghế, phông bạt, bảng quảng cáo. Quang cảnh cảm nhận như một khu hoàn toàn biệt lập bị bỏ quên. Chưa kể, kế bên thành là một khu đất rộng ẩn nấp hoàn toàn khó phát hiện mà hiện nay đang là một bãi rác phế liệu.

Đề xuất thứ hai của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai là chỉnh trang quảng trường Sông Phố (bùng binh trung tâm). Nơi đây đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1991, là khu vực giao lộ giữa hai tuyến đường Cách mạng tháng Tám và đường 30/4. Khu vực quảng trường Sông Phố còn gắn liền với 2 di tích cấp quốc gia khác là thành cổ Biên Hòa (cách khoảng 100m) và nhà hội Bình Trước (cách khoảng 20m). Từ giao lộ này, người dân có thể đi đến các khu vực, tuyến đường trung tâm của thành phố Biên Hòa.

Không gian bao quanh khu quảng trường Sông Phố đa phần các công trình trụ sở như: Tòa nhà trụ sở các cơ quan Nhà nước tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý dịch vụ công ích thành phố, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá; Phòng Công chứng số 1; Sở Thông tin và Truyền Thông; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu; Chi cục dân số và kế hoạch hóa gia đình, nhà hội Bình Trước; các trường học như: Trường quốc tế Bắc Mỹ SNA, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường Mầm non Thanh Bình, Nhà Thiếu nhi tỉnh; trường Tiểu học Nguyễn Du, các công trình tập trung đông người như: Chợ Biên Hòa, Nhà thờ Biên Hòa, đồng thời giáp với sông Đồng Nai.

Hiện nay, quần thể các công trình trên bao quanh quảng trường Sông Phố, gây ra tình trạng ùn ứ tắc đường vào giờ cao điểm, khả năng thoát người và phương tiện không tốt, các công trình, nhà ở dọc đường 30/4 từ quảng trường Sông Phố đến đường Trần Minh Trí cảnh quan kiến trúc không đồng nhất, khu đất Công ty Xuất nhập khẩu Biên Hòa bỏ hoang phế nhiều năm, gây mất mỹ quan đô thị. Quảng trường Sông Phố đang bị biến thành một nút giao thông cơ giới hoàn toàn (không có diện tích đi bộ).

Dựa trên hiện trạng, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai có ý kiến: Về bản chất, quảng trường là một không gian công cộng, đảm nhiệm những chức năng công cộng và chung sống của dân cư đô thị, như là nơi tổ chức hoạt động sự kiện xã hội, những sinh hoạt văn hóa – lễ hội, buôn bán và đơn giản là nơi để thị dân sum họp hoặc dạo chơi. Đồng thời đóng vai trò tạo thị và tạo tính chất thành thị cho mỗi đô thị, tổ chức và gắn kết cộng đồng dân cư đô thị với đặc trưng nổi trội là sự cân bằng giữa cái “riêng” và cái “chung”. Yếu tố giáo dục cho thế hệ trẻ được đề cao – chính tại nơi ta đứng đây, qua chiều dài lịch sử, có hàng nghìn sự kiện lịch sử đã diễn ra, có hàng nghìn người đã hy sinh… Nếu coi một thành phố là một thực thể sống, thì những công viên cây xanh được nhìn nhận như là những lá phổi của cơ thể ấy, còn quảng trường có thể coi là trái tim củng cố và duy trì sức sống cho cơ thể đô thị.

Thiết kế trục không gian, cảnh quan hướng về quảng trường, hướng về công trình trọng tâm trên quảng trường là một thủ pháp thường được áp dụng. Ví dụ tuyến đường Tràng Tiền hướng về Nhà hát Lớn (Hà Nội), tuyến không gian từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng ra hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), tuyến Lê Lợi hướng đến sông Sài Gòn và Tòa đô chánh (Thành phố Hồ Chí Minh).

Đề xuất không gian Thành cổ sẽ tổ chức theo hình thái quảng trường đóng, tạo một không gian độc lập, giống như một căn phòng ngoài trời. Nó được bao bọc bởi mặt tiền các tòa nhà xung quanh và được mở ra thông suốt 01 tuyến phố Phan Chu Trinh. Tạo cảm giác của quảng trường này là sự gần gũi, nhỏ nhắn, an toàn, nội tâm.

Khu vực bùng binh Sông Phố, Sở Xây dựng Đồng Nai đề xuất chỉnh trang thành quảng trường tuyến. Không gian của quảng trường được kéo dài, gần giống như một tuyến phố hay một hành lang. Nơi đây, tổ chức lại không gian để tạo cảm giác trục tuyến chính không ở vị trí xung khắc, hướng về sông Đồng Nai. Ở đầu và cuối quảng trường sẽ có một công trình điểm nhấn để chuyển tiếp sang các không gian đô thị khác, nơi mà người dân địa phương thường được tập trung vào mỗi buổi sáng và tầm chiều muộn, đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Để một quảng trường có sức sống, cần thu hút được nhiều hoạt động cộng đồng. Với khí hậu của khu vực, việc cải thiện vi khí hậu cho các hoạt động ngoài trời tại quảng trường là một vấn đề lớn. Ngoài ra, các tiện nghi khác phục vụ cho cộng đồng như: Nhà vệ sinh công cộng, ghế ngồi, đèn chiếu sáng… hay các dịch vụ như cà-phê, ăn nhanh, các quán hoa, quán sách… cần tổ chức bổ trợ cho công năng quảng trường.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, việc tổ chức lại 2 quảng trường trên dựa trên nguyên tắc: Không can thiệp, không tác động trực tiếp đến di tích; Tập trung cải tạo không gian, cảnh quan nhằm tăng giá trị di tích, tăng môi trường kết nối, giáo dục cộng đồng, tham quan, triển lãm tranh ảnh, lịch sử hình thành vùng đất Biên Hòa; Mở không gian quảng trường quy mô nhỏ, không gian để thỏa mãn nhu cầu dịch vụ thương mại và văn hóa, màu sắc hoài cổ; không gian quảng trường được kết nối với các công trình công cộng xung quanh mới tạo nên được chuỗi các hoạt động phong phú cho quảng trường, sức sống hàng ngày của quảng trường, tránh việc chỉ là không gian dùng cho sự kiện vài lần trong năm.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích