Bài 1: Quảng Yên – đô thị “cải lão hoàn đồng”
(Xây dựng) – Quảng Ninh được cả nước biết đến là một địa phương năng động, vận hành trong cơ chế mới, sớm thu hút được các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; kinh tế phát triển đã kéo theo sự thay đổi diện mạo đô thị. Nhiều đô thị mới có dáng vóc bề thế hơn trước, giống như bức tranh được vẽ lại.
Năm 2020, thị xã Quảng Yên được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. |
Theo lịch sử thời phong kiến, năm 1147 vua Lý Anh Tông đã cho dựng hành dinh ở Yên Hưng để trấn giữ Bến Rừng – cửa biển quan trọng của nhà nước Đại Việt. Năm 1832, nhà Nguyễn thành lập tỉnh Quảng Yên, đặt trung tâm của tỉnh (trấn lỵ) ở phường Quảng Yên ngày nay và tồn tại trong 132 năm.
Ngày 2/7/1964, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 106-CP chuyển thị xã Quảng Yên thành huyện Yên Hưng và Quảng Yên là thị trấn của huyện. Ngày 25/11/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP, thành lập thị xã Quảng Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của huyện Yên Hưng.
Quảng Yên còn lưu dùng nhiều tòa nhà xây dựng từ thời thuộc Pháp, chứng tích đô thị cổ kính. |
Ngày 25/11/2021, thị xã Quảng Yên sẽ kỷ niệm 10 năm ngày tái lập thị xã (25/11/2011 – 25/11/2021). 10 năm trước, Quảng Yên chỉ là một đô thị nhỏ của vùng nông nghiệp pha sông biển. Phố xá vỏn vẹn từ chợ Rừng đến chợ Rộc, đặc trưng đô thị là những tòa nhà xây dựng từ thời Pháp thuộc. Gần một nửa thị xã nằm trên đảo Hà Nam thuộc vùng trũng, còn thấp hơn mực nước biển. Một đô thị phố cổ, chật hẹp, khi nâng cấp lên thị xã còn nợ nhiều tiêu chí…
Quảng Yên, đất cố hương (đô thị cũ) chậm phát triển, nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh lại có cách nhìn khác, cho rằng Quảng Yên đang ẩn chứa một “đụn vàng – đụn bạc”, nhất quyết phải đầu tư khai thác phục vụ dân sinh. Một cuộc họp thường trực Tỉnh ủy vào ngày 27/6/2016 (do ông Nguyễn Văn Đọc khi ấy làm Bí thư Tỉnh ủy chủ trì) có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu mốc son cho quyết tâm xây dựng Quảng Yên trở thành một thành phố ven biển, kết nối với các đô thị của các tỉnh ven biển khu vực phía Bắc.
Kết luận cuộc họp đã thống nhất chủ trương Quy hoạch chung thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giao cho đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới là Công ty Nihon Sekkei (Nhật Bản) lập. Mục tiêu của quy hoạch nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế và cơ hội về vị trí địa lý của thị xã Quảng Yên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp, gắn với thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu xây dựng thị xã Quảng Yên trở thành đô thị loại III trước năm 2020 và trở thành một thành phố văn minh, hiện đại trước năm 2030.
Năm 2020, thị xã Quảng Yên đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III theo 5 tiêu chí, 59 tiêu chuẩn về phân loại đô thị tại Nghị định số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Kết quả 5 tiêu chí đạt từ tối thiểu trở lên, 59 tiêu chuẩn đạt các yêu cầu đề ra. Thời điểm thẩm định nâng cấp đô thị, giá trị sản xuất của Quảng Yên tăng 16,8%, thu ngân sách Nhà nước tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,74%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8%… Thị xã có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2020, Quảng Yên là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nổi bật thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch trên 100 tỷ đồng. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng đạt trên 11.300 tỷ đồng, sản xuất ngành dịch vụ đạt trên 4.100 tỷ đồng, sản xuất nông nghiệp đạt 2.165 tỷ đồng. Cùng năm 2020, thị xã Quảng Yên đón nhận Quyết định số 29/2020/QĐ-TTg của Chính phủ thành lập khu kinh tế ven biển; công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Đường nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng với khu kinh tế Đầm Nhà Mạc trên đảo Hà Nam. |
Quảng Yên sau 10 năm tái lập thị xã, còn ngổn ngang việc chỉnh trang đô thị, nay lại được cả nước gửi gắm lòng tin, tập trung nguồn lực xây dựng Khu kinh tế ven biển. Giai đoạn 2020 – 2022, Quảng Yên có 3 dự án giao thông động lực đầu tư bằng ngân sách trung hạn. Một là công trình 5km đường 4 làn xe, kinh phí đầu tư 1.469.000 triệu đồng, từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng bắt vàoTỉnh lộ 338, kết nối cao tốc với Khu công nghiệp Sông Khoai. Hai là, đường nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng tại Km20+50 với đầm Nhà Mạc, xây dựng nút giao liên thông dạng hoa thị hoàn chỉnh, gồm 4 nhánh nối vòng rẽ trái gián tiếp, 4 nhánh rẽ phải trực tiếp; quy mô 2 làn xe và đoạn đường chạy dưới nút giao với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, mức đầu tư 766.000 triệu đồng. Ba là, công trình đường ven sông Đá Vách, kết nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng tại Km20+50 qua đầm Nhà Mạc đến thị xã Đông Triều. Công trình này chia làm 2 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn I chiều dài 12km, trong đó bao gồm xây 2 cầu vượt sông Chanh và sông Rút với chiều dài 1,4km, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, mức đầu tư chung là 1.498.000 triệu đồng.
Cầu Sông Chanh II dài trên 760m, rộng trên 12m, kinh phí đầu tư xây dựng trên 238 tỷ đồng. |
Khu kinh tế ven biển Quảng Yên quy hoạch mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối hợp lý đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường liên phường… thị xã chủ động đầu tư nâng cấp, cải tạo Tỉnh lộ 331B (đoạn Chợ Rộc – Bến Giang); mở đường nối Tỉnh lộ 331B với Tỉnh lộ 338 (đoạn từ phường Quảng Yên đến phường Cộng Hòa); xây dựng nút giao thông (Phong Hải đến Khu công nghiệp Nam Tiền Phong); xây dựng đường 338 kéo dài từ cầu sông Chanh đến nút giao đường cao tốc tại phường Phong Hải; đường Nguyễn Công Bao, xã Cẩm La; xây dựng cầu sông Chanh II, kết nối đường từ Ngã ba Chợ Rộc đến nút giao đường cao tốc tại phường Phong Hải; cải tạo, nâng cấp đường Minh Thành – Tân An; đường liên phường xã từ ngã ba thôn Núi Thành, xã Tiền An đi phường Hà An…
Quảng Yên có kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ, lợi thế (tiền môn) cửa chính của tỉnh thông thương đường bộ bằng cao tốc với vùng duyên hải phía Bắc, lại kề cận với thành phố cảng Hải Phòng có lợi thế dịch vụ sau cảng (logistics) và sân bay Cát Bi.
Tiếng lành đồn xa, Quảng Yên đã được nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế đặt cơ sở sản xuất kinh doanh, đã trở thành địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất tỉnh gồm: Khu công nghiệp Đông Mai sử dụng 167,8ha đất; Khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc sử dụng 1.192,9ha; Amata sử dụng 714ha; Nam Tiền Phong sử dụng 487,4ha; Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, quy mô sử dụng đất trên 4.472ha. Ngày 14/9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh lại ký Quyết định số 3116/QĐ-UBND thành lập Cụm công nghiệp Đông Mai, diện tích sử dụng đất 16ha. Ước tính Quảng Yên 50% diện tích đất tự nhiên sẽ đô thị hóa.
Với một khối lượng công trình hạ tầng “khổng lồ”, nhu cầu vật liệu san nền các dự án, công trình giai đoạn (2020 – 2025), Quảng Yên cần sử dụng 203,10 triệu m3 đất đồi để vượt thổ san nền. Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh cho phép Quảng Yên sử dụng nguồn đất tại các mỏ đất ở thành phố Uông Bí phục vụ các dự án, công trình san nền. Cung độ vận chuyển xa cũng còn có những khó khăn và còn có những bất cập trong Luật Khoáng sản, khi khai thác đất đồi làm vật liệu xây dựng thông thường.
Ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 1079/CĐ-TTg về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có nội dung xem xét sửa đổi Điều 65, Luật Khoáng sản theo hướng đất san lấp, đất đồi không phải là khoáng sản; đã hé mở cơ sở pháp lý cho Quảng Yên và ngành Xây dựng toàn quốc giải tỏa những bế tắc trong sử dụng đất đồi làm vật liệu san nền.
Thị xã Quảng Yên có 5 khu công nghiệp. |
Khu kinh tế ven biển Quảng Yên bừng bừng chuyển động như một đại công trình xây dựng, khu vực này như “thay trời đổi đất, sắp xếp lại giang sơn” khu vực kia đang tổ chức bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư. Năm 2021, diện tích giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm gồm 4 dự án hạ tầng giao thông và 5 khu công nghiêp, số hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng là 6.783,0 hộ. Tuy không rầm rộ mở chiến dịch thần tốc giải phóng mặt bằng, nhưng trong 10 tháng đầu năm 2021, Quảng Yên đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà đầu tư được 2449,85ha đất sạch, phấn đấu bàn giao toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đất mặt nước bãi triều khoảng 3.180/3.186ha trước 31/12/2021 cho dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh.
Quảng Yên cần có sự chia sẻ của cả cộng đồng xã hội, các cấp các ngành trong công cuộc đổi mới, kiến thiết đô thị, xây dựng đường sá, các khu công nghiệp… Quảng Yên, một đại công trình xây dựng không tránh khỏi những tác động về cảnh quan môi trường. Các cơ quan chức năng luôn quan tâm với công việc quản lý đô thị, môi trường, an toàn giao thông trong vận hành các dự án, để hạn chế tới mức thấp nhất những ảnh hưởng đến đời sống người dân đang sống chung với công trường xây dựng.
Trên đất trấn lỵ cổ, những công trình đồ sộ mọc lên đang làm thay đổi diện mạo đô thị, cơ cấu nguồn thu, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội… là hành trang vững chắc cho Quảng Yên thực hiện thắng lợi Quyết định số 29/2020/QĐ-TTg của Chính phủ thành lập khu kinh tế ven biển và định hướng nâng cấp thị xã lên thành phố.
Nguồn: Báo xây dựng