Hải Phòng: Quyết tâm xây dựng quận Hồng Bàng trở thành quận Di sản
(Xây dựng) – Mới đây, quận Hồng Bàng tổ chức Hội nghị báo cáo viên tháng 9/2024 giới thiệu Chuyên đề các Di sản văn hoá, kiến trúc trên địa bàn quận với chủ đề “Hồng Bàng – Khởi nguồn quận di sản”.
Ông Lê Ngọc Trữ, Bí thư Quận ủy Hồng Bàng phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Ngọc Trữ, Bí thư Quận ủy Hồng Bàng nhấn mạnh, một trong những điểm nhấn rất quan trọng tạo nên bộ mặt của thành phố Hải Phòng nói chung và quận Hồng Bàng nói riêng chính là khu đô thị trung tâm, nơi hội tụ nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu, rất có giá trị về kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật, thể hiện sự hòa trộn của các nền văn hóa đa dạng, phong phú, trong đó nhiều công trình mang đậm dấu ấn kiến tạo thuở ban đầu của kiến trúc Pháp. Các công trình kiến trúc Pháp tồn tại và đã trở thành một phần không thể thiếu của lịch sử, văn hoá trên địa bàn quận Hồng Bàng.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Trong đó, nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu được biết đến như những di tích lịch sử cách mạng hay những công trình mang giá trị kiến trúc nghệ thuật và có giá trị sử dụng cao cho đến ngày nay, nhất là các toà nhà trụ sở của các cơ quan hành chính, các Sở, ban, ngành thành phố. Đến nay, mặc dù đã trải qua những thăng trầm của lịch sử, các công trình kiến trúc tại Khu đô thị lõi trung tâm vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn. Tất cả các di sản kiến trúc trên chính là nguồn tài sản quý giá, với vai trò là các dấu mốc cho quá trình hình thành và phát triển đô thị, góp phần hun đúc nên diện mạo độc đáo, riêng có, không thể trộn lẫn của thành phố Hải Phòng nói chung và quận Hồng Bàng nói riêng.
Các công trình kiến trúc Pháp đã tồn tại và đã trở thành một phần không thể thiếu của lịch sử, văn hoá thành phố Hải Phòng nói chung và quận Hồng Bàng nói riêng. (Ảnh: Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng) |
Sang năm 2025, Trung tâm Chính trị – Hành chính thành phố sẽ di chuyển sang khu vực phía Bắc sông Cấm kéo theo việc các Sở, ban, ngành thành phố cũng sẽ di chuyển tập trung về Trung tâm Chính trị – Hành chính mới. Khi đó, yêu cầu cấp bách trong việc tìm ra hướng đi đối với vấn đề quản lý, gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị đối với một loạt các công trình trụ sở, toà nhà kiến trúc Pháp hiện do các cơ quan hành chính, các Sở, ban, ngành thành phố đang sử dụng nói riêng và các công trình kiến trúc Pháp trong lòng thành phố nói chung và đặc biệt là bài toán trong việc định hướng vị thế, mô hình phát triển của quận Hồng Bàng trong tương lai.
Bí thư Quận ủy Hồng Bàng cũng chia sẻ về 2 nhiệm vụ, định hướng lớn có ý nghĩa quan trọng mà quận đã, đang và sẽ triển khai nhằm đi tìm lời giải cho bài toán phát triển, đó là việc triển khai Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng và định hướng xây dựng quận Hồng Bàng trở thành quận Di sản.
Nhà giáo Phạm Tuệ, Nhà nghiên cứu Văn hóa Hải Phòng truyền đạt tại Hội nghị. |
Với mục tiêu trở thành quận Di sản, kỳ vọng sẽ mang lại uy tín, danh dự, niềm tự hào và mở ra một chương hoàn toàn mới, tạo ra bước phát triển đột phá trong việc khai thác các giá trị văn hoá, kiến trúc lịch sử, biến nó trở thành nguồn lực và động lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn quận. Đô thị di sản, quận di sản khi đó sẽ là một sản phẩm của nền văn minh đô thị, ở đó không chỉ là việc tập trung phát triển các kiến trúc đô thị mới, khang trang, hiện đại mà còn là sự hoà quyện với việc bảo tồn, phát huy giá trị các công trình kiến trúc Pháp cổ tại khu vực đô thị lõi với vai trò là trung tâm, là hồn cốt của di sản bên cạnh các yếu tố văn hoá truyền thống, kiến trúc, thẩm mỹ, cảnh quan, các công trình tín ngưỡng, nghệ thuật, di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn quận như: Di tích lịch sử Tháp Sở Dầu, Trận địa pháo phòng không 37 ly, cây di sản…
Bí thư Quận ủy Hồng Bàng đề nghị các đại biểu sau Hội nghị báo cáo viên này sẽ trở thành các tuyên truyền viên tích cực, trách nhiệm tại cơ sở, tại nơi cư trú, nơi công tác để cùng lan toả mạnh mẽ, thống nhất thông điệp của Hội nghị tới toàn thể nhân dân trên địa bàn quận. Đồng thời, đề nghị các cấp uỷ, chính quyền từ quận đến cơ sở và các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị quận cùng quyết tâm, thống nhất, hiện thực hoá mục tiêu xây dựng quận Hồng Bàng trở thành quận Di sản.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Nhà giáo Phạm Tuệ, Nhà nghiên cứu Văn hóa Hải Phòng với bề dày kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu, sưu tập và sở hữu kho tư liệu đồ sộ về di sản kiến trúc Pháp ở đô thị Hải Phòng giới thiệu chuyên đề “Hồng Bàng – Khởi nguồn quận di sản”, qua đó chia sẻ, truyền đạt những kiến thức hữu ích về giá trị các công trình kiến trúc Pháp trên địa bàn thành phố nói chung và quận Hồng Bàng nói riêng.
Nguồn: Báo xây dựng