Những nụ cười hồi sinh
Con đường vào bản, một bên là cánh đồng lúa xanh ngăn ngắt, bình yên như chưa từng có những vần vũ đi qua. |
Lần thứ hai chúng tôi trở lại Bảo Yên. Từ thị trấn phố Ràng, con đường vào bản vẫn còn ngổn ngang. Bão lũ đã đi qua, nhưng mất mát, đau thương thì vẫn còn hiện hữu với người ở lại. Những giọi nước mắt vẫn chưa ngừng rơi, những ngơ ngác trẻ thơ vẫn còn đó. Có những bản vẫn bị cô lập, giao thông đi lại khó khăn, trẻ em chưa thể đến trường. Tổn thất là không thể cân đo, đong đếm.
Đường vào bản lầy lội, bùn đất phủ lên một lớp dày. Đưa mắt sang bên phải là những vạt lúa xanh ngăn ngắt, gió thổi làm nồng lên mùi hương lúa mới, xen lẫn mùi tanh của bùn non. Bên trái, dòng sông Chảy vẫn lặng lẽ cuộn trôi. Nắng sớm vẫn vui đùa nhảy nhót trên mặt nước còn đỏ ngầu bùn đất trộn lẫn phù sa. Xa xa, những hàng quế, hàng keo vẫn vươn mình thẳng tắp, tưởng như, như chưa từng có những vần vũ đi qua.
Ngôi trường vẫn là nơi an toàn cho những đứa trẻ mất nhà trú chân. |
Điểm đến của chúng tôi là Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Xuân Thượng, xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên. Ngôi trường nhỏ nằm khiêm nhường, tựa lưng vào một quả đồi. Trong đợt lũ vừa qua, trường bị ảnh hưởng khá nặng. Khu nhà ăn bán trú của của các em bị một phần quả đồi sụt xuống làm hư hỏng nặng. Cũng còn may mắn là trường ở trên cao nên chỉ bị sạt lở, không bị ngập. Tuy nhiên, nhà của các em học sinh nơi đây đa phần đã bị lũ cuốn trôi hoặc hư hỏng nặng. Thật đau xót, một em học sinh lớp 4 của trường, nhà ở bản Ba Là đã bị thiệt mạng do sạt lở đất, sóng va đập không kịp thoát.
Được đi học trở lại là hạnh phúc so với các bạn nhỏ vẫn còn bị cô lập bởi lũ lụt. |
Bản Ba Là là một trong những bản thiệt hại nặng nề nhất xã trong đợt lũ lụt vừa rồi. “Khoảng 9 giờ tối, người dân bàng hoàng, hoảng loạn bởi một tiếng nổ như bom. Đồi bản Ba Là bị sập. Sóng dềnh lên cao như sóng thần, cuốn trôi 12 ngôi nhà trong bản. Đau xót hơn, một gia đình trong bản có 3 người bị thiệt mạng do sóng đánh sập nhà”. Ông Lương Văn Soái, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thượng ngậm ngùi kể lại những khoảng khắc không bao giờ quên. Gia đình ông cũng là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhà bị đánh sập, mọi thứ bị cuốn trôi, ông chỉ kịp đưa gia đình sang nhà hàng xóm lánh nạn rồi lại vội vã đi cứu trợ bà con dân bản. Từ hôm đó đến nay, vợ con ông vẫn đang ở nhờ hàng xóm, còn ông, với trách nhiệm của người đứng đầu, anh vẫn ngày đêm tất bật với công việc hỗ trợ người dân trong xã khắc phục hậu quả.
Trẻ con ở bản Ba Là hầu hết là học sinh của Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Xuân Thượng. Trường có tổng cộng 526 em học sinh thì hiện có 238 em học sinh bán trú. Sau đợt lũ lụt vừa qua, nhà các em bị sập, ngập lụt không về được đều phải ở lại trường.
Các em học sinh ở đây đều ngoan, tự giác và ý thức. |
Tự giác vệ sinh, giặt quần áo. |
Tự giác rửa bát sau khi ăn. |
Những đứa trẻ lớn lên từ gian khó, chịu tổn thất từ nhỏ đã sớm trưởng thành hơn so với tuổi. Các em tự ăn, tự học, tự chơi, tự làm các công việc cá nhân không cần nhắc nhở. “Các em học sinh ở đây đều ngoan. Ở trường các cô chỉ nấu ăn giúp, các em tự rửa bát, dọn dẹp, giặt giũ quần áo. Ăn ngủ, học đúng giờ, rất ý thức và tự giác, không cần thầy cô nhắc nhở”. Thầy Phạm Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. Hiện nay, do nhà bán trú bị sạt lở, các em tạm thời được di chuyển lên khu phòng học 2 tầng để ở tạm, chờ khắc phục, sửa chữa.
Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa trên sân trường, tưởng như chưa từng có sự mất mát, xáo trộn ở nơi đây. Thấy người lạ đến, lũ trẻ rụt rè, tò mò len lén nhìn từ xa. Khi đã quen thì chạy xúm lại chuyện trò ríu rít, nói cười khanh khách. Những đứa trẻ thân thiện và thiếu thốn đủ thứ, nhưng tâm hồn thì vẫn đẹp đẽ như trang sách mới còn thơm mùi mực.
Nụ cười đã trở lại. |
Nhờ có sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ và chung tay của các mạnh thường quân, chỉ thời gian ngắn nữa thôi, ngôi trường này sẽ được tu sửa lại, sẽ được khoác lên mình bộ áo mới. Khu nhà ở bán trú, khu vệ sinh, lớp học của các em sẽ được khắc phục cho các em có chỗ ở và sinh hoạt trở lại. Các phòng học cũng sẽ được trang bị thêm dụng cụ học tập, bút, sách vở cho các em. Mong rằng, với sự hỗ trợ ấy sẽ giúp các em tiếp tục có điều kiện đến trường, có một tuổi thơ hồn nhiên để nuôi dưỡng ước mơ trở thành người có ích cho xã hội.
Những nụ cười đã trở lại. Trong ánh mắt trẻ thơ là bầu trời của hy vọng, của những ước mơ lấp lánh. Cảm giác thật bình yên, như vốn dĩ sự bình yên đó vẫn mãi thuộc về nơi này.
Nguồn: Báo lao động thủ đô