Sửa Luật Việc làm để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm và mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.

Dự luật cũng bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động đối với người lao động có việc làm và người thất nghiệp; sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động. Đồng thời, bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề, sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá kỹ năng, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, quy định linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp và sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp…

Sửa Luật Việc làm để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Sửa Luật Việc làm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh minh họa: Hoàng Phúc

Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, thống nhất về các quy định liên quan cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không phân biệt nguồn ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương), tạo cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.

Đáng quan tâm, Dự thảo Luật cũng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hướng bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc thấp nhất, thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024…

Qua thẩm tra về Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định chuyển nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thành nguồn vốn vay giải quyết việc làm có tác động trực tiếp đến việc quản lý, bố trí nguồn lực, cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn vốn này và thay đổi so với khi đề xuất xây dựng luật, do đó, cần tiếp tục đánh giá tác động, ưu nhược điểm, những vấn đề phát sinh và làm rõ tính hiệu quả khi thực hiện chuyển đổi này.

Về đối tượng vay vốn, cần rà soát, bảo đảm quy định thống nhất, phù hợp với các luật chuyên ngành. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung đối tượng là người đã chấp hành xong hình phạt tù trong các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc và dân quân thường trực được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình.

Đối với các quy định về bảo hiểm thất nghiệp, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động, có giải pháp để bảo đảm tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, làm rõ cơ chế xử lý tách bạch số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp; xác định Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ tài chính ngắn hạn và rà soát các quy định có liên quan để thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 .

Khắc phục vướng mắc với bảo hiểm thất nghiệp

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu nội dung dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần thể hiện đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, đồng bộ với nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Dự thảo Luật Việc làm quy định linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát nội dung Dự thảo Luật, đối chiếu với các luật khác như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi… để tránh chồng chéo, đồng thời, cần xem xét kỹ việc sửa đổi lần này có khắc phục được những vướng mắc hiện nay đối với bảo hiểm thất nghiệp hay không.

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu mong muốn Dự thảo Luật làm rõ hơn các giải pháp, quy định cụ thể về chuyển đổi nghề theo định hướng chuyển đổi từ kỹ năng thấp sang kỹ năng cao. Vì đây là vấn đề lớn trong thời gian tới trong lĩnh vực lao động, việc làm, nếu không làm tốt vấn đề này, sẽ rất khó thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị bổ sung người lao động bị mất việc sau thiên tai, khủng hoảng được vay vốn hỗ trợ việc làm…

Đồng tình giải thể Quỹ quốc gia về việc làm

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đồng tình với quy định Quỹ quốc gia về việc làm sẽ giải thể, chuyển toàn bộ số dư của Quỹ về ngân sách trung ương để bố trí dự toán qua Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện các hoạt động cho vay. Vì trong thực tế, Quỹ quốc gia về việc làm không cho vay trực tiếp, mà giao cho Ngân hàng chính sách xã hội quản lý, cho vay, báo cáo kết quả thực hiện với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, báo cáo kỹ lưỡng đầy đủ hơn về hoạt động của Quỹ, số dư đến thời điểm hiện tại. Đồng thời, hoạt động cấp vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội là thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nên cơ quan soạn thảo cần rà soát, thống nhất quy định bố trí chi đầu tư phát triển cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cấp cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, cần rà soát bảo đảm tính bao quát, khả thi đối với quy định về phạm vi sửa đổi và đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật; bảo đảm tính liên thông của thông tin đăng ký lao động, thông tin thị trường lao động và các thông tin khác có liên quan; nghiên cứu, tổng kết, đánh giá mô hình, tổ chức, nhiệm vụ hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích