Hậu Giang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất và chất lượng nông sản
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
Hậu Giang là một tỉnh thuần nông với hơn 86% diện tích đất dành cho nông nghiệp, trong đó diện tích gieo trồng lúa hàng năm đạt trên 177.000 ha, sản lượng đạt hơn 1,1 triệu tấn. Hiện nay, giá trị sản xuất lúa của tỉnh chiếm trên 40% tổng giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp. Để phát triển bền vững và tăng cường khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường, tỉnh đã tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đưa nông nghiệp Hậu Giang từng bước hiện đại hóa.
Theo đó, tỉnh Hậu Giang đã thành lập các tổ, nhóm dịch vụ cộng đồng chuyên cung cấp dịch vụ cơ giới hóa, hỗ trợ nông dân sử dụng máy móc hiện đại như máy cấy, máy gặt đập liên hợp, và máy bay không người lái để gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật, và bón phân.
Nông dân Hậu Giang sử dụng thiết bị bay không người lái để sản xuất nông nghiệp. Ảnh: baohaugiang.com.vn
Đặc biệt, Hậu Giang đã triển khai mô hình “cánh đồng lúa không dấu chân” giúp nông dân hoàn toàn sử dụng máy móc thay cho lao động thủ công. Điều này không chỉ giảm công lao động mà còn tăng hiệu quả sản xuất, giúp nông dân nâng cao thu nhập và giảm chi phí sản xuất.
Song song đó, công nghệ tưới tự động và tiết kiệm nước cũng được áp dụng rộng rãi trên các vườn cây ăn trái, giúp tối ưu hóa nguồn tài nguyên nước và giảm thiểu công việc tưới tiêu thủ công. Những tiến bộ khoa học này đã góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Một ví dụ điển hình cho việc ứng dụng khoa học công nghệ thành công là Hợp tác xã (HTX) dưa lưới Thuận Phát của nông dân Võ Văn Trưng tại xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp. Ông Trưng đã đầu tư hơn 600 triệu đồng vào dây chuyền công nghệ tưới nước hiện đại của Israel. Hệ thống này không chỉ giúp tiết kiệm đến 80% lượng nước và 50% chi phí nhân công, mà còn giảm thiểu dịch bệnh lên tới 90%. Ông Trưng có thể quản lý toàn bộ quá trình sinh trưởng của vườn dưa lưới chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Sản phẩm dưa lưới của HTX đã đạt chứng nhận GlobalGAP, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và được các công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Ông Võ Văn Trưng chia sẻ: “Nhờ ứng dụng công nghệ cao, HTX mong muốn đem đến những sản phẩm có giá trị cao, an toàn, và chất lượng đến tay người tiêu dùng, đồng thời góp phần thay đổi tập quán canh tác truyền thống của nông dân. Chúng tôi hy vọng sản phẩm nông sản Hậu Giang sẽ vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.”
Mở rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Tỉnh Hậu Giang cũng chú trọng vào việc xây dựng và phát triển phần mềm truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang”. Phần mềm này giúp nông dân dễ dàng ghi chép nhật ký sản xuất và in tem truy xuất QR-Code để cung cấp thông tin rõ ràng cho người tiêu dùng. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, tăng tính minh bạch và uy tín của nông sản.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp Hậu Giang còn ứng dụng phần mềm họp và tập huấn trực tuyến như Zoom và Google Meet trong việc chuyển giao kỹ thuật và kết nối nông dân với doanh nghiệp. Công nghệ blockchain và autotimelapse được sử dụng trong truy xuất nguồn gốc nông sản, góp phần nâng cao giá trị và sự tin cậy của nông sản Hậu Giang trên thị trường.
Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đã triển khai 22 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các cây trồng chủ lực như lúa, cây ăn trái, rau màu và nấm ăn. Các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, trồng mít ruột đỏ, và trồng dưa lưới trong nhà màng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ban quản lý khu cũng đang đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, và thu hút các dự án sản xuất, chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao.
Mở rộng mô hình sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ tiên tiến như tưới nước nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước và chi phí nhân công. Ảnh internet
Ông Nguyễn Việt Triều – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, cho biết: “Hiện tại, khu đã thu hút được 5 dự án về sản xuất và chế biến nông sản, thủy sản và phân vi sinh. Trong tương lai, khu sẽ tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân”.
Những thành tựu nổi bật từ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp tại Hậu Giang cho thấy sự thay đổi tích cực trong tư duy sản xuất của nông dân và các doanh nghiệp địa phương. Sự mạnh dạn trong việc đầu tư và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp nông sản Hậu Giang không chỉ tăng năng suất, mà còn nâng cao chất lượng, đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về an toàn và truy xuất nguồn gốc. Trong tương lai, Hậu Giang sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững, góp phần đưa nông sản của tỉnh vươn tầm ra thị trường quốc tế.
Duy Trinh (t/h)