Vướng mắc về xử phạt hành vi để du khách trốn ở lại nước ngoài trái pháp luật
Kiến nghị này nhằm đảm bảo công tác kiểm tra, xử lý trong hoạt động quản lý kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn TP.HCM đạt hiệu quả, đúng quy định pháp luật và tháo gỡ những khó khăn mà pháp luật chưa quy định cụ thể rõ ràng đối với các doanh nghiệp có khách du lịch mất liên lạc khi đi du lịch nước ngoài mà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ.
Theo đó, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị Bộ VHTT-DL phối hợp Bộ Tư pháp có hướng dẫn bằng văn bản cụ thể nghĩa vụ của doanh nghiệp trong quản lý khách du lịch theo Luật Du lịch năm 2017; điều chỉnh nội dung quy định về hành vi “Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật” tại Nghị định số 45. Đồng thời trong thời gian chờ điều chỉnh quy định tại điểm c khoản 13 Điều 7 Nghị định số 45, Bộ VHTT-DL có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác định hành vi này.
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, vừa qua trên cơ sở các thông tin thu thập được, Sở Du lịch đã xác minh tại TP.HCM có 32 khách đăng ký đi du lịch Hàn Quốc mất liên lạc gồm Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Top Ten (23 khách), Công ty Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam – Vietravel (3 khách), Công ty Cổ phần Du lịch Top Asian (3 khách) và Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn (3 khách). Các công ty lữ hành nêu trên đều ký hợp đồng vận chuyển với Công ty Cổ phần Kovic Việt Nam – GSA Fly Gangwon Airlines (trụ sở tại Hà Nội), là đơn vị duy nhất được tổ chức chuyến bay đưa khách đến đảo Yangyang, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc.
Hành khách đi lại tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. |
Thanh tra Sở Du lịch Thành phố tiến hành mời làm việc với đại diện pháp luật của các doanh nghiệp lữ hành này và xác định hành vi vi phạm, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM để ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với 4 doanh nghiệp này về hành vi “Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật” với khung hình phạt tiền từ 80 triệu đồng – 90 triệu đồng, được quy định tại Nghị định số 45 của Chính phủ; đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 tháng đến 18 tháng”.
Tuy nhiên sau đó, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam – Vietravel có văn bản gửi UBND TP.HCM và Sở Du lịch về kiến nghị và đề xuất hình thức xử phạt của Sở Du lịch đối với các doanh nghiệp có khách mất liên lạc khi đi du lịch Hàn Quốc với lý do: Công ty đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quản lý khách du lịch theo chương trình du lịch trước, trong và sau khi sự việc xảy ra.
Liên quan đến nội dung trên, Sở Tư pháp TP.HCM cũng cho rằng, hành vi “Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật”, theo cách diễn đạt tại Nghị định số 45 là không rõ hành vi này có yêu cầu phải xác định là lỗi cố ý, có sự cấu kết, tạo điều kiện từ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hay không?
Trong khi đó, vào ngày 24/5/2024, Thanh tra Bộ VHTT-DL đã chủ trì tổ chức tọa đàm với sự tham dự của Vụ Pháp chế, Cục Du lịch thuộc Bộ VHTT-DL và Thanh tra Sở Du lịch 14 tỉnh, thành về các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Luật Du lịch và Nghị định số 45. Tại buổi tọa đàm, các đơn vị tham dự đã thống nhất kiến nghị điều chỉnh câu, chữ quy định tại điểm c khoản 13 Điều 7 Nghị định số 45 về hành vi “Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật”.
Sở Du lịch TP.HCM nhận thấy còn vướng mắc, lúng túng trong việc xác định hành vi có lỗi, nhất là khi doanh nghiệp đã giải trình thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quản lý khách du lịch theo chương trình du lịch đã thỏa thuận với khách du lịch quy định tại Luật Du lịch 2017. Đồng thời hiện nay không chỉ riêng 4 Công ty nói trên mà các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch ra nước ngoài cũng đang rất quan tâm và lo lắng đến việc khách cố tình bỏ trốn khi du lịch. Đây là sự việc khách quan nằm ngoài khả năng kiểm soát hợp lý của doanh nghiệp và là sự cố bất khả kháng và rủi ro trong kinh doanh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô