Tái hiện những ngày tiếp quản Thủ đô qua 200 tài liệu quý
Sự kiện này giới thiệu gần 200 hình ảnh và tài liệu lưu trữ gốc đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III từ các phông như Quốc hội, Phủ Thủ tướng, Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nông Lâm, và Bộ Giao thông Công chính, Bộ Canh nông, phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, Nhà sưu tầm ảnh Đặng Tích, Giáo sư Hoàng Minh Giám, Nhạc sĩ Văn Cao, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Huy Du…
Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III chia sẻ về sự kiện. |
Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, những tài liệu này tái hiện những thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc và Thủ đô, bắt đầu từ khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết. Nội dung của các tài liệu bao gồm thông tin về chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ, và quá trình chuẩn bị tiếp quản Thủ đô.
Từ năm 1951, Ủy ban kháng chiến hành chính Hà Nội đã xây dựng Đề án tiếp quản Thủ đô, nhận định về tầm quan trọng của Hà Nội và đề ra kế hoạch, nhiệm vụ tổng thể cho việc giải phóng Thủ đô. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp về việc thực thi Hiệp định và tiếp quản Thủ đô. Ngày 12/9/1954, Hội đồng Chính phủ đã quyết nghị về vấn đề tổ chức tiếp quản, ban hành các chính sách và kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ khi vào Thành phố.
Trung đoàn Thủ Đô đi đầu về đến Hàng Gai ngày 10/10/1954. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Nguyễn Bá Khoản, hồ sơ 764) |
Sáng 10/10/1954, các đơn vị Quân đội do Ủy ban Quân chính Thành phố và Đại đoàn 308 chỉ huy đã tiến vào giải phóng Thủ đô. Các báo cáo và hình ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử như lính Pháp rút khỏi các tuyến đường, bộ đội tiếp quản Cột cờ Hà Nội, và lễ chào cờ thiêng liêng vào chiều ngày 10/10/1954.
Quá trình tiếp quản diễn ra từng bước, với tổng số 4.803 cán bộ và nhân viên tiếp quản vào Thủ đô chia làm ba đợt từ ngày 2/10 đến 24/10/1954. Các ngành đã tiến hành tiếp quản các công sở của chính quyền cũ và tổ chức hoạt động. Mặc dù gặp một số khó khăn do công việc mới mẻ, nhưng nhìn chung quá trình tiếp quản diễn ra suôn sẻ.
Phụ nữ Hà Nội chào đón bộ đội về giải phóng Thủ đô. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Nguyễn Bá Khoản, hồ sơ 759) |
Ngày 1/1/1955, nhân dân Hà Nội đã tổ chức cuộc mít tinh chào mừng Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô. Sự kiện này đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử của Hà Nội và đất nước.
Ngoài các tài liệu hành chính, sự kiện còn giới thiệu những tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn với những ca khúc về Hà Nội, thể hiện một Hà Nội vừa nên thơ, vừa hào hùng.
Những tài liệu lưu trữ này không chỉ cung cấp thông tin tin cậy về quá trình giải phóng và tiếp quản Thủ đô, mà còn khẳng định sự chỉ đạo sâu sát của Đảng và Chính phủ, tinh thần kiên cường của quân dân Hà Nội.
Các tài liệu và hình ảnh này sẽ tiếp tục được trưng bày tại Triển lãm “Hà Nội – Ký ức những ngày tiếp quản” dự kiến khai mạc vào ngày 2/10 tại Nhà Triển lãm 61 Tràng Tiền, Hà Nội, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III phối hợp với Trung tâm Thông tin, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức.
Nguồn: Báo lao động thủ đô