Sốt xuất huyết vào mùa cao điểm
Thêm 23 ổ dịch sốt xuất huyết trong tuần
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 13/9 đến ngày 19/9), toàn Thành phố ghi nhận 285 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 58 ca so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc như: Đan Phượng 46 ca; Thạch Thất 29 ca; Hà Đông 22 ca… Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn Thành phố ghi nhận 3.251 ca mắc sốt xuất huyết.
Lật úp các dụng cụ chứa nước tránh phát sinh ổ bọ gậy, phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Lan Phương |
Ngoài ra, Hà Nội cũng ghi nhận 23 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã, tăng 14 ổ dịch so với tuần trước, gồm Bắc Từ Liêm 3 ổ dịch; Phúc Thọ, Thanh Oai mỗi nơi 2 ổ dịch; còn lại mỗi nơi ghi nhận 1 ổ dịch tại Cầu Giấy, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đống Đa, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Sơn Tây, Tây Hồ, Thạch Thất, Thanh Trì, Thanh Xuân và Thường Tín. Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 165 ổ dịch, còn 32 ổ dịch đang hoạt động.
CDC Hà Nội nhận định, hiện tại đã bắt đầu giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết hàng năm tại Hà Nội (tháng 9 đến tháng 11) với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của bão số 3, thời gian qua nhiều địa phương trên địa bàn của thành phố Hà Nội rơi vào cảnh ngập lụt, cũng là một trong những điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi. Là một trong số các địa phương ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết trong tuần qua, Sơn Tây đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết sau mưa lũ.
Cụ thể, thị xã Sơn Tây ghi nhận 1 ổ dịch sốt xuất huyết tại tổ dân phố 7, phường Ngô Quyền. Sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, phường Ngô Quyền là khu vực dòng sông Tích chảy qua và đã có cảnh báo lũ trên cấp độ 3, nhiều hộ dân vẫn đang trong khu vực ngập lụt cao. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại sau bão lụt, nhất là dịch sốt xuất huyết. Chính vì vậy, Trung tâm Y tế Sơn Tây phối hợp với Ủy ban nhân dân phường và các ban ngành đoàn thể nhanh chóng xử lý ổ dịch sốt xuất huyết để hạn chế dịch bùng phát tại địa phương.
Ngay sau đó, Trung tâm đã tổ chức vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại tổ dân phố 7 phường Ngô Quyền cho 250 hộ dân, 1 khu đất trống; 1 trường học và 1 địa điểm công cộng. Toàn phường cũng ra quân tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh sau thời gian mưa bão. Với phương châm nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể và người dân trên địa bàn phường đã tập trung, tích cực tham gia vệ sinh môi trường, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…
Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết
Cũng theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết ngày càng diễn biến dịch tễ phức tạp, không còn tính chu kỳ. Thêm vào đó, việc kiểm soát muỗi truyền bệnh gặp nhiều khó khăn và điều trị sốt xuất huyết rất phức tạp, tốn kém nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao nếu không phát hiện chính xác và điều trị kịp thời.
Chia sẻ với phóng viên về gánh nặng bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết sốt xuất huyết diễn biến khó lường và phức tạp, có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, trong đó các đối tượng có nguy cơ trở nặng cao hơn là trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì… Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê.
“Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu. Người mẹ có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, tổn thương chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ gây nguy hiểm tính mạng. Nếu sống sót sau nhiễm sốt xuất huyết nặng có biến chứng, gần 70% bệnh nhân giảm khả năng lao động, hơn 50% người sống chung với triệu chứng bệnh như đau khớp, đau cơ, suy nhược, yếu tay chân, rụng tóc… đến 2 năm”- bác sĩ Chính cho biết thêm.
Để phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả, theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để, kịp thời các ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết xảy ra trong và sau ngập lụt; duy trì công tác giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của ngập lụt các biện pháp xử lý môi trường, cách diệt bọ gậy.
“Diệt bọ gậy chính là biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bền vững, còn phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp cấp cứu. Do đó phải tuyên truyền, vận động làm sao để người dân tự giác diệt bọ gậy bằng các hành động nhỏ như: Đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá vào các bể nước lớn, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước, dọn phế thải quanh nhà có thể là nơi đọng nước mưa kể cả chai lọ, vỏ hộp, hốc cây… Như vậy sẽ hạn chế được dịch bệnh lây lan trong cộng đồng”, ông Khổng Minh Tuấn chia sẻ.
Liên quan tới công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, từ chiều 20/9, Hệ thống tiêm chủng VNVC chính thức ra mắt và triển khai tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn, tại gần 200 trung tâm hiện đại trên toàn quốc. |
Minh Khuê
Nguồn: Báo lao động thủ đô