Vận tải hành khách công cộng: Phải hướng tới chất lượng phục vụ
Còn nhiều thách thức
Giao thông vận tải với phương châm “đi trước một bước” luôn là yêu cầu cấp thiết của các đô thị, vừa tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh. Với Thủ đô Hà Nội cũng vậy. Chỉ khi có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách thì nền kinh tế mới có điều kiện tăng trưởng nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, hiện hệ thống giao thông vận tải của Thành phố vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Thành phố đang trong quá trình đầu tư xây dựng, dẫn đến hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ.
Người dân háo hức đi tàu điện đoạn trên cao Metro Nhổn – Cầu Giấy. Ảnh: Đinh Luyện |
Thêm nữa, việc kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng nhằm thu hút và trung chuyển hành khách tại các khu dân cư, tối ưu hóa năng lực của hệ thống vận tải hành khách công cộng vẫn đang tồn tại bất cập, có thể kể đến như thiếu kết nối các phương thức vận tải sức chứa nhỏ như xe mini buýt, xe đạp công cộng để hỗ trợ hệ thống vận tải hành khách công cộng sức chứa lớn. Ngoài ra, hạ tầng trông giữ phương tiện cá nhân tại các nhà ga, các điểm trung chuyển còn hạn chế đã và đang trực tiếp dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống giao thông công cộng.
Kinh nghiệm thực tế từ quá trình phát triển đô thị trên khắp thế giới đều cho thấy, khi đã có quy hoạch rõ ràng, vận tải hành khách công công luôn là chìa khóa để giải quyết ùn tắc giao thông, trong đó đường sắt đô thị đóng vai trò chủ đạo và hệ thống xe buýt là bổ trợ. Tuy nhiên, người dân Thủ đô vẫn có xu hướng sử dụng phương tiện cá nhân và xe buýt Thủ đô vẫn đang “lép vế” bởi thói quen này. Phương tiện cá nhân bùng nổ khiến vận tốc di chuyển của vận tải hành khách công cộng bị kéo giảm.
Một sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ, bản thân chọn phương tiện xe buýt vì giá vé rẻ, từ nhà đến trường có nhiều tuyến xe buýt chạy qua nên không phải chờ quá lâu. Tuy nhiên, sinh viên này cũng bày tỏ, vào giờ cao điểm hành khách trên xe đông, thường xuyên không có chỗ ngồi, chiều đi – về thường bị muộn do tắc đường. Nhiều điểm chờ xe buýt tạm bợ, không có mái che, vào những hôm mưa bão hay nắng to, người dân phải đứng đón xe ở điểm dừng không có mái che rất vất vả.
Với loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn và hiện đại như đường sắt đô thị hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn khi thu hút hành khách. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc các tuyến Metro này chưa kết nối được với nhau. Ngoài ra, ở các điểm ga thường xuyên phải đối mặt với tình trạng lấn chiếm không gian trông giữ xe hoặc có những điểm ga việc có không gian để gửi xe đi Metro cũng rất hạn chế.
Nâng chất lượng phục vụ, hướng trực tiếp đến hành khách
Thời gian qua, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng ở Thủ đô đã có những chuyển biến đáng kể; giúp “kéo” hành khách trở lại, nâng tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt, tàu điện tăng cao hơn… Vận tải hành khách công cộng của Thủ đô đang dần lấy lại vị thế, đặc biệt là từ khi tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh – Hà Đông, tuyến Metro Nhổn – Cầu Giấy và các tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch đi vào hoạt động.
Ông Vũ Hồng Trường – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, vận tải hành khách công cộng có 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 là giai đoạn để phục vụ người không có phương tiện đi lại; giai đoạn 2 là cạnh tranh với phương tiện cá nhân, điều này đường sắt đô thị đã làm được; giai đoạn cuối cùng là giai đoạn người dân ưa thích. Và, Hanoi Metro đang hướng đến mục tiêu đó.
Đó là với các tuyến Metro, hiện các tuyến xe buýt của Thủ đô cũng đang dành được nhiều sự quan tâm từ hành khách. Ông Nguyễn Thanh Nam – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, 6 tháng đầu năm, hoạt động buýt của Transerco được duy trì ổn định. Một số chỉ tiêu quản trị, chỉ tiêu chất lượng dịch vụ đảm bảo được yêu cầu. Tổng hành khách vận chuyển của Transerco trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 118 triệu lượt, chiếm 60% sản lượng vận chuyển toàn Thành phố.
Đáng chú ý, để hướng trực tiếp tới hành khách, Transerco đã có nhiều hoạt động nâng cao công tác đào tạo. Cụ thể, Transerco đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao chất lượng phục vụ đến công nhân lái xe, nhân viên phục vụ như các nội dung liên quan đến thái độ phục vụ, tác phong ứng xử với hành khách; dừng đỗ, đón trả khách đúng quy định… Tổng kết số liệu 6 tháng đầu năm, các đơn vị thuộc Transerco đã triển khai 26 khóa đào tạo cơ bản cho 134 lượt học viên; 43 khóa chuyên đề với 1.390 lượt học viên và 7 khóa đào tạo theo luật (phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh lao động) cho 679 lượt học viên.
Chất lượng phục vụ tại các đơn vị vận hành xe buýt thuộc Transerco không ngừng được cải thiện. Ảnh: Đinh Luyện |
Trong thời gian tới, Transerco sẽ tiếp tục triển khai thiết thực nội dung chủ đề về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật – Tiếp tục nâng cao chất lượng phương tiện – Xây dựng văn hóa phục vụ xe buýt”. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phương tiện và vận hành xe buýt đã và đang triển khai có hiệu quả, bao gồm: Tăng cường công tác kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ, kiên quyết xử lý triệt để đối với các vi phạm liên quan…
Đáng chú ý, với tinh thần hướng trực tiếp tới khách hàng, Hà Nội đã khai trương thẻ vé thẻ phi vật lý cho hệ thống vận tải hành khách công cộng và triển khai hình thức thẻ ảo offline dành cho khách hàng. Việc “số hóa” thẻ vé giao thông trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ trực tiếp nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng, giúp hành khách tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại để nhận và dán tem vé tháng. Điều này cho thấy quyền và lợi ích của hành khách ngày càng được coi trọng hơn.
Cụ thể, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Năm 2024, với chủ đề hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn” nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin minh bạch để bảo đảm môi trường tiêu dùng an toàn cho người tiêu dùng, cộng đồng và toàn xã hội… đối chiếu với những nội dung Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, ngành Giao thông vận tải Thủ đô đã xác định rõ nét đối tượng phục vụ, lấy hành khách là trung tâm, đặt sự thuận tiện của hành khách sử dụng dịch vụ lên hàng đầu.
Rõ ràng, hệ thống đường sắt đô thị được hoàn thiện và kết nối với xe buýt, xe đạp công cộng sẽ thu hút nhiều người dân tham gia, giảm thiểu phương tiện cá nhân, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Thủ đô. Hơn hết, để “hút” người dân sử dụng xe buýt trong thời đại 4.0, Hà Nội cũng cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với xe buýt, Metro… Chỉ khi hướng tới khách hàng, đặt khách hàng là trung tâm thì vận tải hành khách công cộng sẽ từng bước tăng sức hấp dẫn.
Đinh Luyện
Nguồn: Báo lao động thủ đô