Du lịch nông nghiệp sinh thái – xu hướng của thời đại mới
Đó là những ý kiến được đưa ra tại Tọa đàm “phát triển du lịch trang trại và những vấn đề pháp lý liên quan” do Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp lý Minh Sơn tổ chức.
Hiện nay, du lịch nông nghiệp, trang trại là mô hình được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Mô hình này giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành Nông nghiệp và Du lịch.
Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới đã dựa vào các giá trị đặc trưng của nền nông nghiệp truyền thống kết hợp khoa học công nghệ, sinh thái, nông nghiệp sạch để thu hút khách du lịch và thông qua khách du lịch tiêu thụ và tăng doanh thu cho các sản phẩm nông nghiệp. Nhiều mô hình khai thác du lịch sinh thái nông nghiệp đã rất thành công, đem lại giá trị gia tăng cao cho cả du lịch và nông nghiệp (Kinh nghiệm từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan).
Dự báo trong tương lai, du lịch nông nghiệp sẽ ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực nhiều triển vọng, đa lợi ích. Bên cạnh góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp, trang trại còn hạn chế khuynh hướng ly hương, thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu tại chỗ… Đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp sẽ là xu hướng cạnh tranh tất yếu.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm “phát triển du lịch trang trại và những vấn đề pháp lý liên quan”.
Tại Việt Nam, du lịch, nông nghiệp là hai ngành có mối quan hệ chặt chẽ và đều là ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển (Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn).
Chính sách phát triển nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế du lịch tại nhiều địa phương Quảng Ninh, Ninh Bình, Cần Thơ, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Thái Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp…; chương trình Mỗi làng một sản phẩm (OCOP); xu hướng đầu tư cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước (như tập đoàn Vingroup, TH True milk…) là điều kiện thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp phát triển ở hai góc độ tạo thành điểm đến thu hút khách và thúc đẩy tăng chi tiêu của du khách thông qua tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trên cơ sở lợi thế về tài nguyên (đất, nước, nông nghiệp với 70% dân số sống ở nông thôn, lịch sử, truyền thống văn hóa mang đậm dấu ấn của nền sản xuất nông nghiệp), các sản phẩm du lịch sinh thái liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong 5 sản phẩm chủ đạo, có tính chất bao trùm và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thể hoạt động của ngành du lịch Việt Nam.
Để ứng phó với tác động tiêu cực từ quá trình đô thị hóa, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, xu hướng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp trên nền tảng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và khai thác yếu tố văn hóa truyền thống sẽ là lựa chọn tối ưu.
Theo Tiến sĩ, Nhà báo Hồ Minh Sơn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam, trước xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa với hội nhập quốc tế hiện nay, du lịch ở các địa phương trên cả nước muốn phát triển cần phải tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Với tinh thần hợp tác, liên kết cùng phát triển, “Tọa đàm Phát triển du lịch trang trại – Những yếu tố pháp lý liên quan” được tổ chức nhằm kết nối, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp hợp tác phát triển, xây dựng các tour tuyến, liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh thành phố…
Tiến sĩ, Nhà báo Hồ Minh Sơn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam
Trong khuôn khổ toạ đàm, du lịch sinh thái gắn nông nghiệp, nông thôn được hiểu là loại hình du lịch, sản phẩm du lịch phục vụ du khách được dựa chủ yếu trên nền tảng của hoạt động, không gian sản xuất nông nghiệp với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia, đặc biệt là lợi ích của cộng đồng trực tiếp tham gia cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp; khách du lịch được trải nghiệm, khám phá cuộc sống tại các vùng nông thôn và cảm thấy hài lòng; làm gia tăng các giá trị và thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp thông qua du lịch.
Theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn, để khai thác phát triển hoạt động du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp và nông thôn cần phải bảo đảm các yếu tố: Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp (điểm đến); Chủ thể cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp; Các hoạt động của du lịch nông nghiệp cung ứng cho du khách; Chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp; Vai trò cầu nối của các công ty lữ hành; Hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông điểm đến…
“Thông qua Tọa đàm lần này, chúng tôi mong muốn làm nhịp cầu nối thêm cơ hội để các địa phương cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chuỗi giá trị ngành du lịch giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc, chính sách thu hút, phát triển du lịch, thiết lập quan hệ hợp tác, đề xuất giải pháp đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch. Chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến phát biểu, thảo luận cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ đại diện doanh nghiệp, chuyên gia đến từ các trường đào tạo du lịch. Tôi hy vọng sau buổi tọa đàm hôm nay, mối quan hệ giữa các địa phương sẽ ngày càng thân thiết hơn, những chương trình, dự án hợp tác kinh doanh, đầu tư du lịch sẽ ngày càng phát triển cả về chất lượng và số lượng”, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn nói.
Minh Nghĩa – Kim Thoa