Thành phố Hồ Chí Minh: “Khát” lao động các ngành công nghiệp

Tăng trưởng ngành công nghiệp

Theo cục Thống kê TP.HCM: Chỉ số sản xuất toàn ngành CN trong 8 tháng năm 2024 trên địa bàn Thành phố tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó ngành khai khoáng tăng 51,4%, CN chế biến – chế tạo tăng 6,1%, sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%, cung cấp nước và xử lý nước thải tăng 1%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành CN chế biến – chế tạo tăng 9,7% so với cùng kỳ, trong đó có 12/23 ngành CN chế biến – chế tạo cấp II có chỉ số tiêu thụ tăng như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 27,5%), sản xuất giường tủ, bàn, ghế (tăng 20%), chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (tăng 19,6%), sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (tăng 18,2%), sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế (tăng 11,8%)…

Thành phố Hồ Chí Minh: “Khát” lao động các ngành công nghiệp
Tăng trưởng ngành công nghiệp TP.HCM đòi hỏi nguồn nhân lực đáp ứng tương xứng về số lượng và chuyên môn, tay nghề.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 4 ngành CN trọng điểm trong 8 tháng đầu năm 2024 tăng 5,5%, gồm ngành hóa dược tăng 19,8%, chế biến lương thực – thực phẩm tăng 0,3%, sản xuất hàng điện tử tăng 0,1% và cơ khí giảm 0,2%.

Một số sản phẩm CN chủ yếu tăng cao như bao bì đóng gói bằng plastic (tăng 27,8%); sổ sách, vở, giấy và các sản phẩm bằng giấy (tăng 21,7%); xi măng (tăng 15,1%); bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa (tăng 14,0%).

Cùng với đó, tổng số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Thành phố trong 8 tháng đầu năm 2024 tăng 6,5%, trong đó có 82,4% doanh nghiệp thành lập mới hoạt động dịch vụ, 17,3% doanh nghiệp ngành CN – xây dựng và 0,3% doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Về vấn đề lao động, theo Cục Thống kê TP.HCM, trong 8 tháng năm 2024, chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành CN giảm 3,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh một số ngành có chỉ số lao động tăng cao như thoát nước và xử lý nước thải (tăng 86,1%), sản xuất xe có động cơ (tăng 32,3%), CN chế biến, chế tạo khác (tăng 30,7%), sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (tăng 28,8%) thì vẫn còn một số ngành có chỉ số lao động giảm mạnh như sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (giảm 28,3%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 20%), sản xuất kim loại (giảm 17,3%), sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (giảm 14,7%).

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động tại các doanh nghiệp ngành CN giảm là do đến nay vẫn chưa lấy đầy tỷ lệ lấp lao động quay trở lại Thành phố sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023; có sự dịch chuyển lao động từ TP.HCM về các địa phương khác như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An; vẫn còn một tỷ lệ khá lớn lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Việc ngành CN TP.HCM duy trì đà tăng trưởng như đã nêu trên có ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GRDP chung của Thành phố cũng như thu hút, giải quyết việc làm cho thị trường 4,9 triệu lao động (trong tổng số khoảng 9,5 triệu dân) lớn nhất khu vực phía Nam này.

Tuyển sinh, tuyển dụng nhiều

Trên thực tế, các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp ngành CN trên địa bàn TP.HCM vẫn tuyển sinh, tuyển dụng nhiều chỉ tiêu, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho chiến lược phát triển kinh tế của Thành phố.

Về chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành CN, Thạc sĩ Nguyễn Thọ Chân, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TP.HCM (thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM) cho biết: Năm học 2024 – 2025, nhà trường tuyển sinh 4.810 chỉ tiêu, trong đó hệ cao đẳng và trung cấp là 1.810 chỉ tiêu và đào tạo thường xuyên 3.000 chỉ tiêu với 14 ngành đào tạo. Bao gồm ngành cắt gọt kim loại, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, điện tử công nghiệp, kỹ thuật sữa chữa và lắp ráp máy tính, công nghệ thông tin, quản trị mạng máy tính, thiết kế đồ hoạ, chế biến thực phẩm, kế toán doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Nhu cầu của thí sinh đăng ký tập trung vào các nghề thuộc khối kỹ thuật, công nghệ thông tin, điện – điện lạnh. Tính đến ngày 23/9/2024, nhà trường đã tuyển sinh đạt 75% chỉ tiêu đào tạo các hệ như cao đẳng, trung cấp, thường xuyên và phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra”, Thạc sĩ Nguyễn Thọ Chân cho biết.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, ông Chân cho biết: Với phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm”, nhà trường không ngừng đổi mới xây dựng chương trình phù hợp với nhu cầu thực tế, nâng cao khả năng ứng dụng trong bối cảnh bùng nổ thông tin, CN hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Về tuyển dụng lao động, không quá khó tìm các vị trí việc làm ở các doanh nghiệp CN tại TP.HCM. Ngoài các sàn giao dịch việc làm tuyển dụng trực tiếp, nhiều doanh nghiệp còn chủ động đăng ký với các trường đại học, cao đẳng tuyển dụng nhân lực tay nghề. Đơn cử, thông qua Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thẳng (quận 1), Công ty CP Sản xuất và Bảo trì thiết bị hàng không tuyển 15 học sinh, sinh viên làm việc tại TP.HCM; Công ty TNHH Xây dựng và Thang máy Tâm Phát Lộc (quận Bình Tân) tuyển 4 học sinh, sinh viên ngành nghề cơ khí, điện tử, điện công nghiệp, cơ điện tử; Công ty CP Thương mại Thanh Niên (quận 1) tuyển dụng 20 học sinh, sinh viên ngành ô tô, cơ khí, điện tử, điện CN, nhiệt lạnh, tự động…

Dưới góc độ doanh nghiệp, tham gia Triển lãm quốc tế lần thứ 22 về máy và thiết bị ngành CN đóng gói bao bì và in ấn (Vietnam PrintPack 2024) diễn ra vừa qua tại TP.HCM, đại diện một doanh nghiệp Hàn Quốc chia sẻ: Ngoài việc trưng bày, giới thiệu công nghệ, máy móc, đơn vị còn mong muốn tìm kiếm 5 – 7 chỉ tiêu lao động là người việt Nam có chuyên môn để vận hành máy móc thiết bị vì doanh nghiệp này đang có nhu cầu mở rộng nhà máy (đã đặt tại quận 7).

Có mặt tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (quận 12), ông Nguyễn Văn Nam (quê Nghệ An) cho biết: Trước đây anh làm việc tại xưởng gia công cơ khí của người thân ở quận Bình Tân. Do quy mô xưởng nhỏ, nguồn hàng không đều đặn nên anh quyết tâm tìm đến môi trường doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CN tại KCN Tân Thới Hiệp để xin việc, nâng cao tay nghề. Hồ sơ anh đã nộp và được thông báo qua tuần sau sẽ phỏng vấn.

“Ngành cơ khí đòi hỏi phải chính xác, tỉ mỉ và được đào tạo bài bản, thường xuyên cập nhật các kiến thức nhất là sự thay đổi công nghệ nên yêu cầu của doanh nghiệp rất cao. Bản thân không khỏi lo lắng nhưng vẫn tự tin và hứng thú tìm kiếm môi trường làm việc mới, chuyên nghiệp”, ông Nam chia sẻ.

Xuân Tình

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích