Ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm quế hữu cơ cho nông dân Quảng Trị
Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, địa phương cam kết hỗ trợ về chủ trương, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi từ cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang phát triển vùng trồng quế nguyên liệu hữu cơ có giá trị kinh tế cao. Từ nay đến năm 2025 phấn đấu trồng từ 19.000 ha – 20.000 ha quế, nghệ, gừng, tiêu hữu cơ với diện tích 30 ha mỗi loại trên một năm.
Công ty Vinasamex đảm bảo cung cấp giống quế theo tiêu chuẩn hữu cơ, số lượng 160 triệu cây cho diện tích hơn 20.000 ha từ nay đến hết 2025. Bên cạnh đó, cam kết cử chuyên gia đào tạo kỹ thuật canh tác bao gồm: Trồng, chăm sóc, thu hoạch đảm bảo theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các hộ nông dân trồng quế, nghệ, gừng và tiêu trên địa bàn huyện Cam Lộ; đồng thời, cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng vùng nguyên liệu quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ của các hộ nông dân được cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ trên địa bàn huyện Cam Lộ.
Vinasamex đảm bảo thu mua với giá tối thiểu như đã cam kết và không thấp hơn giá của thị trường tại thời điểm thu mua. Ngoài ra, Vinasamex sẽ đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến các sản phẩm quế tại Cụm công nghiệp Cam Hiếu, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ nhằm sơ chế, chế biến nguyên liệu quế trên địa bàn huyện với công suất chế biến đạt 200.000 tấn vỏ quế tươi/năm, 360 tấn dầu quế từ lá/năm. Đây sẽ là những hoạt động thiết thực giúp tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.
Tại buổi lễ ký kết, ông Nguyễn Kế Anh – Chủ tịch HĐQT Vinasamex cũng đề xuất UBND huyện Cam Lộ có những chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tại địa phương, góp phần cải thiện đời sống cho các gia đình nông dân trong chuỗi hữu cơ tại Cam Lộ.
Được biết, Vinasamex đã xây dựng một nhà máy chế biến gia vị công suất lớn tại vùng nguyên liệu quế Yên Bái. Nhà máy đã tạo công ăn việc làm ổn định, thường xuyên cho gần 100 lao động địa phương và hơn 300 lao động thời vụ. Lao động tại nhà máy này chủ yếu là lao động nữ (>90%). Vinasamex mong muốn tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa cho người phụ nữ vùng cao, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò kinh tế của người phụ nữ dân tộc, từ đó họ có thể nói lên tiếng nói của mình tại cộng đồng. Từ mong muốn ấy, Vinasamex đã cho triển khai kế hoạch xây dựng thêm 02 nhà máy nữa tại Văn Bàn (Lào Cai) và Tràng Định (Lạng Sơn), dự kiến đi vào hoạt động trong 2-3 năm tới sẽ mang đến việc làm cho 300-400 lao động thường xuyên và 500 – 700 lao động thời vụ.
Không chỉ đào tạo kỹ thuật canh tác hữu cơ cho bà con, Vinasamex còn đào tạo cho người nông dân những kiến thức về kỹ thuật chế biến, về bình đẳng giới, về quản lý tài chính gia đình,… Hiện tại, hơn 800 phụ nữ ở Văn Bàn, Lào Cai đã được đào tạo nghề chế biến quế, có thể tự mình kiếm thêm thu nhập, cải thiện vai trò mình trong gia đình và cộng đồng. Trong thời gian tới, Vinasamex sẽ làm hết sức mình để có nhiều hơn nữa những người phụ nữ dân tộc vùng cao được bình đẳng, có được nguồn thu nhập tốt hơn, ổn định hơn, và nhận thức của họ cũng được cải thiện rõ rệt.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu