Cần đa dạng hóa hình thức xử phạt vi phạm nồng độ cồn

Còn nhiều vi phạm

Thự tế cho thấy, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã và đang đem lại những hiệu quả tích cực trong công tác kéo giảm tai nạn giao thông. Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024 lực lượng này đã xử lý 17.897 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 81,776 tỷ đồng, tạm giữ 17.879 phương tiện, tước giấy phép lái xe 5.178 trường hợp. Trung bình kiểm tra 564 ô tô phát hiện 1 trường hợp và 31,4 xe máy phát hiện 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Cần đa dạng hóa hình thức xử phạt người vi phạm nồng độ cồn
Cảnh sát giao thông Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Mặc dù, người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã được kéo giảm đáng kể tuy nhiên, qua công tác kiểm tra thực tế hàng ngày trên đường của lực lượng chức năng vẫn còn nhiều trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở khi điều khiển phương tiện.

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, chỉ tính riêng từ 15/8-14/9, lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã xử lý 5.834 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, số người vi phạm từ 50 tuổi trở lên, chiếm đa số. Đơn cử như chiều 19/9, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa, Hà Nội). Sau 1 tiếng, tổ công tác đã phát hiện, xử lý 6 tài xế điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn, hầu hết là người từ 50 – 75 tuổi.

Như trường hợp của tài xế N.Q.H (62 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,571 mg/L khí thở. Đây là mức vi phạm rất cao, cao gấp 1,4 lần mức “kịch khung” theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Trình bày với Cảnh sát giao thông, ông N.Q.H cho biết, vừa sử dụng rượu, bia thì có điện thoại báo phải đi gấp nên mới ra đường. “Ở tuổi tôi thì có nhiều thời gian rảnh, bạn bè lại rủ đi uống bia thì mình không có lí do gì để từ chối. Nhất là thời gian buổi trưa, bạn bè mời uống thì ai từ chối được”, ông H nói. Với lỗi này, ông H sẽ bị phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Một trường hợp tài xế vi phạm khác, ông N.D.Đ (75 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận bản thân đã uống rượu, bia ngay khi bị Cảnh sát giao thông dừng xe. Qua kiểm tra, ông Đ vi phạm ở mức 0,121 mg/L khí thở. “Tôi có uống rượu từ sáng với bạn bè, đến chiều có chút việc nên phải đi xe máy ra đường. Con cháu ở nhà cũng khuyên can nhưng vì có việc nên tôi vẫn phải đi”, ông Đ chia sẻ. Tổ Cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý vi phạm với ông Đ, đồng thời, tuyên truyền và vận động tài xế này không tái phạm.

Đại úy Đào Văn Hùng – Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 cho biết, bản thân các tài xế vi phạm nồng độ cồn đã tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nhưng với trường hợp người cao tuổi thì nguy cơ này còn lớn hơn nhiều lần. “Bên cạnh việc xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật thì tổ công tác còn vận động những người vi phạm không tái phạm để đảm bảo an toàn cho bản thân mình và người tham gia giao thông khác”, Đại úy Đào Văn Hùng nói. Cũng theo Đại úy Hùng, thời gian qua, lực lượng chức năng xử lý mạnh với các trường hợp tài xế đã sử dụng rượu, bia vẫn lái xe thì số lượng và mức độ vi phạm đều giảm. Hiện nay, chỉ còn một số tài xế độ tuổi từ 50 trở lên vẫn cố tình vi phạm.

Còn Đại úy Nguyễn Anh Đức – cán bộ Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 10, cho biết, sau một thời gian lực lượng chức năng siết chặt kiểm tra về nồng độ cồn thì số lượng và mức độ vi phạm đã giảm hẳn. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người dân cố tình vi phạm, nhất là trong các dịp lễ, tết… Điều này, do ý thức của một số người dân, chưa tuân thủ tuyệt đối quy định của pháo luật.

Xử phạt nghiêm tạo răn đe

Ngày 19/9, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 3116/UBND-ĐT về việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm. UBND Thành phố giao Giám đốc Công an Thành phố chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong quá trình tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải tuân thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm; xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không xử lý triệt để, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông.

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cho biết, quá trình xử lý, tổ công tác sẽ tiến hành xác minh, nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, Cảnh sát giao thông sẽ thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định. Theo kế hoạch, các đội công tác thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, 15 tổ công tác 141 và 10 tổ công tác đặc biệt của Công an Thành phố tăng cường tuần tra, thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức hoạt động, công khai kết hợp với hóa trang khi kiểm soát nồng độ cồn gần khu vực nhà hàng, quán ăn, các điểm tổ chức sự kiện,… trên các tuyến đường hoặc dừng kiểm soát tại những khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là các địa bàn giáp ranh.

Đại tá Trần Đình Nghĩa – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), nhấn mạnh, các tổ công tác sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, bảo đảm người dân lưu thông thông suốt, an toàn. Trong đó, xử lý vi phạm về nồng độ cồn là trọng tâm với tinh thần “không có ngày nghỉ”, “không vùng cấm, không ngoại lệ”…

Nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hoàng – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng, ngoài phạt tiền, cần đa dạng hóa hình thức xử phạt khi lái xe vi phạm nồng độ cồn như trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến với hành vi tái phạm, buộc học và thi lại bằng lái xe, lao động công ích, treo tịch thu bằng, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe… Với những hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét truy tố xử lý hình sự. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của người dân nói chung và người điều khiển phương tiện giao thông nói riêng.

Minh Phương

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Tức là trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau. Thực tế cho thấy, chế tài xử phạt của chúng ta đã khá đầy đủ và nghiêm khắc nhưng vi phạm nồng độ cồn vẫn là một trong những hành vi vi phạm an toàn giao thông phổ biến nhất hiện nay. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng thường xuyên tổ chức tuần tra, đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông nhưng tình trạng này vẫn còn phổ biến.

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích