‘Tin giả’ thách thức thế giới trong kỹ nguyên công nghệ số
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quá trình chuyển đổi số và sự phát triển của khoa học – công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhiều thuận lợi, cơ hội, song cũng đặt ra nhiều rủi ro, thách thức đối với đời sống xã hội, thì một trong những nguy cơ tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực chính là “tin giả” (fake news).
“Tin giả” được hiểu cơ bản là hệ thống những tin tức, câu chuyện không có thật, có yếu tố bị xuyên tạc, gán ghép và nội dung bị biến đổi theo ý đồ chủ quan của người chuyển tải… dưới nhiều hình thức, như thông tin xuyên tạc, bị bóp méo, bịa đặt, hình ảnh và đoạn phim bị cắt ghép, làm lệch bối cảnh, chuyển tải nội dung sai sự thật.
“Tin giả” được chia làm hai loại chính đó là thông tin hoàn toàn không chính xác được cố tình đăng tải, lan truyền và thông tin “có thể” có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác (do người tạo lập không kiểm chứng được toàn bộ sự thật trước khi chia sẻ hoặc cố tình phóng đại sự việc).
Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông, nhất là truyền thông xã hội, tin giả từ chỗ là một nguy cơ, hiện tượng mang ý nghĩa tiêu cực, dần trở thành vấn nạn nghiêm trọng, hiện hữu ngày càng phổ biến hơn và để lại nhiều hệ lụy lớn, sâu sắc đối với đời sống xã hội. Hiện nay, sự phát triển không ngừng của các nền tảng công nghệ thông tin và các ứng dụng trên mạng internet ngày càng mở rộng không gian mới, khiến các hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội là một trong những lĩnh vực đầu tiên phải chịu sự tác động trực tiếp.
“Tin giả” đang là vấn đề đáng báo động không chỉ ở các nước phát triển mà cả Việt Nam gây hậu quả khó lường. Ảnh minh họa
Tất cả những loại hình, nội dung “tin giả” trên, dù xuất hiện theo phương thức và phát đi từ nguồn nào, cũng đều gây ra ảnh hưởng tiêu cực, để lại những hệ lụy lớn đối với sự phát triển của đất nước nói chung và của các địa phương nói riêng.
Theo chuyên gia Shizuma Naka, Công ty nghiên cứu công nghệ Mizuho Research & Technologies (Mỹ), vấn đề cấp bách hiện nay là các tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin cần nhanh chóng củng cố hoạt động.
Cộng đồng kiểm tra, xác minh thông tin toàn cầu đang đứng trước ngã ba đường khi số lượng tổ chức theo dõi và sửa thông tin sai lệch sụt giảm do khó khăn tài chính và sự phản đối ngày càng tăng từ một số chính phủ và chính trị gia.
Vào những năm 2000, có chưa đến 20 tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin trên toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin bắt đầu tăng vào năm 2016 – diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Anh và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 vào năm 2020 đã đẩy nhanh xu hướng này hơn nữa khi nhu cầu xác minh thông tin trực tuyến tăng vọt.
Theo khảo sát của Đại học Duke ở Mỹ, số lượng tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin đã giảm từ mức đỉnh 457 vào năm 2022 xuống còn 439 vào đầu năm 2024. Số lượng tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin đã sụt giảm ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, trong khi vẫn không thay đổi ở các khu vực khác.
Số lượng tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin mới thành lập đã giảm từ 91 vào năm 2019 xuống chỉ còn 10 vào năm 2023, trong khi số lượng tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin ngừng hoạt động hàng năm vẫn ổn định ở mức từ 10-20. Do đó, số lượng tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin ngừng hoạt động lần đầu tiên đã vượt số lượng tổ chức mới thành lập vào năm ngoái.
Một lý do khiến số lượng tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin sụt giảm là khó khăn về tài chính. Một số tổ chức ở Canada và Hàn Quốc đã ngừng hoạt động do gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tuyển dụng nhân viên.
Một cuộc khảo sát của Mạng lưới Kiểm tra Thông tin Quốc tế (IFCN) tại Mỹ cho thấy 84% trong số hơn 130 thành viên của mạng lưới này xác định “nguồn tài trợ và tính bền vững về tài chính” là thách thức lớn nhất của họ.
Theo Giáo sư Nobuyuki Okumura tại Đại học Musashi và là chuyên gia về báo chí, các tổ chức này đã ghi nhận tình hình tài chính xấu đi trong giai đoạn hậu COVID-19, một phần là do nhu cầu xác minh thông tin trực tuyến giảm.
Một yếu tố khác là sự phản đối ngày càng tăng từ các đối tượng là mục tiêu của những tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin. Tại Hàn Quốc, công cụ tìm kiếm hàng đầu của quốc gia này, Naver, đã rút hỗ trợ tài chính cho SNU FactCheck, một dự án của Viện nghiên cứu truyền thông thuộc Đại học quốc gia Seoul, vào năm ngoái – một hành động được cho là do áp lực chính trị.
Còn tại Mỹ, có những báo cáo cho thấy tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin ở Đại học Stanford có thể bị giải thể do sự chỉ trích ngày càng tăng từ các nhóm bảo thủ.
Trong báo cáo tháng 5 vừa qua, Đại học Duke đã nhấn mạnh “lời chỉ trích” từ các chính phủ và chính trị gia có quan điểm phản đối là một thách thức lớn đối với tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin. Sự phản đối này thường thể hiện dưới hình thức thư điện tử (email) với nội dung phản đối gay gắt, đe dọa bằng vũ lực và kiện tụng phỉ báng. Bên cạnh đó, triển vọng tài chính của nhiều tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin vẫn khá mong manh, nhất là khi sự hỗ trợ từ các “ông lớn” công nghệ, trong đó có Meta, có xu hướng thiếu ổn định hơn.
Theo các chuyên gia trong ngành, những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu có thể buộc phải cắt giảm hỗ trợ tài chính cho các tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin vì những doanh nghiệp này cũng cần tập trung nguồn lực để nâng cao sức cạnh tranh trước sức ép ngày càng tăng từ các đối thủ.
Theo chuyên gia Shizuma Naka, Công ty nghiên cứu công nghệ Mizuho Research & Technologies, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) đã dẫn đến làn sóng tin tức giả tinh vi hơn, khiến thông tin sai lệch dễ lan truyền hơn. Vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là các tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin cần nhanh chóng củng cố hoạt động, nâng cao năng lực để đảm bảo dòng thông tin đúng đắn, chính xác.
Còn tại Việt Nam, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh và các phương tiện truyền thông xã hội thuộc nhóm cao trên thế giới, do đó, xu hướng đọc tin trên không gian mạng của công chúng ngày càng gia tăng, khiến vấn nạn tin giả có nhiều điều kiện để hoành hành trong thời gian lâu dài.
Hiện nay, có khoảng 77 triệu người Việt Nam đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên). Lượng người dùng cũng có xu hướng tăng (năm 2022 tăng 6,9% so với năm 2021) cho thấy tiềm năng, phạm vi ảnh hưởng to lớn của các phương tiện truyền thông xã hội, ngày càng có sự chiếm lĩnh không gian thông tin. Tuy nhiên tình trạng phát tán “tin giả”, tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, độc hại trên các phương tiện truyền thông xã hội đang ở mức đáng báo động và có diễn biến phức tạp, theo chiều hướng gia tăng.
Trong khi công tác đấu tranh, kiểm soát, quản lý thông tin, truyền thông, các hành vi đưa tin vẫn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, khoa học, tính hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, một bộ phận người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội có tâm lý cho rằng, khi cung cấp, phát tán thông tin trên các nền tảng phương tiện truyền thông xã hội của nước ngoài sẽ khó bị phát hiện danh tính, có suy nghĩ “vô danh nên vô trách nhiệm”, không bị xử lý, dẫn tới việc tự do phát ngôn và không để ý đến hậu quả.
Trong khi đó người dân hiện khó có căn cứ, cơ sở để xác định đâu là “tin thật” nếu cơ quan chức năng không kịp thời xác nhận, do đó, “tin giả” dễ dàng được phát tán với số lượng theo cấp số nhân, nhất là về những vấn đề “nóng”, thời sự, được nhiều người quan tâm.
Tiếp đến hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý hành vi tạo lập và lan truyền tin giả. Do đó, có nhiều hành vi, trường hợp tạo lập, lan truyền “tin giả” trên không gian mạng hoặc không gian thực trong xã hội khó áp dụng được quy định của Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự, pháp luật hành chính… để xử lý.
Vì vậy, cần thiết phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và thiết chế, luật pháp hóa việc nâng cao kỹ năng và trách nhiệm xã hội phòng, chống “tin giả” cho người dân. Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt về phòng, chống tin giả tại Việt Nam.
An Dương (T/h)