Cao Bằng: Kiểm tra 2.795 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Qua kiểm tra, có 2.376 lượt cơ sở được kiểm tra đạt điều kiện VSATTP, chiếm tỷ lệ 85%; 419 cơ sở được kiểm tra chưa đạt điều kiện VSATTP cơ sở, chiếm tỷ lệ 15%. Các cơ sở vi phạm chủ yếu chưa chấp hành đúng điều kiện quy định đảm bảo an toàn thực phẩm, chế biến thực phẩm hư hỏng, biến chất, trang thiết bị dụng cụ chế biến khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh đúng theo quy định… Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã nhắc nhở 412 cơ sở; phạt tiền 7 cơ sở, với tổng số tiền xử phạt trên 38 triệu đồng.
Ngoài ra, tổ chức kiểm tra, giám sát, thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp tets nhanh 1.703 mẫu thực phẩm phục vụ bữa ăn của các sự kiện, hội nghị lớn tại tỉnh, có 1.672 mẫu đạt, chiếm tỷ lệ 98,1%, 31 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 1,9%. Thực hiện giải quyết trả kết quả cấp giấy chứng nhận cho 35 cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trả lại 3 hồ sơ cơ sở dịch vụ ăn uống chuyển hồ sơ về giải quyết thủ tục hành chính tại UBND huyện, Thành phố theo quy định. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 16 người mắc, 11 người nhập viện, không có trường hợp tử vong.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động về công tác đảm bảo VSATTP thuộc ngành y tế quản lý; tăng cường chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học trên địa bàn tỉnh và ngộ độc do độc tố tự nhiên; tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc ngành y tế quản lý.
Liên quan tới hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, ngày 04/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm bao gồm: Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.
Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 01 tháng đến 06 tháng, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 01 tháng đến 24 tháng; Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 25 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Ngoài xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
An Nguyên