Mối nguy hại từ lợn chết và lợn bị bệnh truyền nhiễm

Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra xe ô tô do ông D.V.S là lái xe kiêm chủ hàng. 

Thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe ô tô đang vận chuyển 14 con lợn chết, cơ thể tím tái, có mùi khác lạ và 12 con lợn có biểu hiện lờ đờ, khó thở, vận động khó khăn, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tổng trọng lượng số lợn trên gần 800kg.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông D.V.S không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, vận chuyển lợn ốm, chết không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Ông S cũng khai nhận toàn bộ số lợn trên được mua của các thương lái không rõ địa chỉ tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với mục đích vận chuyển đến huyện Phú Bình để tiêu thụ kiếm lợi nhuận.

Trước sự giám sát của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, toàn bộ số lợn trên đã được kịp thời tiêu hủy và đề nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Lượng lớn lợn chết, nhiễm bệnh bị tiêu hủy. Ảnh: Cục QLTT Thái Nguyên

Nói tới bệnh truyền nhiễm ở lợn, theo các chuyên gia y tế, có trên 20 loại bệnh truyền nhiễm từ lợn bệnh, lợn chết có thể lây sang người cho dù thức ăn đã được nấu chín. Các vi khuẩn gây bệnh này sẽ sinh ra những độc tố gây ngộ độc cho người sử dụng. Chẳng hạn, vi khuẩn thương hàn lây sang người có thể là thương hàn hoặc một bệnh ở dạng khác. Bệnh lepto gây vàng da cho người, bệnh dấu son lây sang người biểu hiện qua dấu son. Hoặc nhiều bệnh ký sinh trùng khác từ lợn có thể lây sang người như sán lãi, sán dây, bệnh dịch tả châu Phi, bệnh lở mồm long móng…

Theo Bộ Y tế, bệnh lở mồm long móng ở lợn có lây sang người nhưng tỷ lệ thấp. Bệnh chủ yếu lây qua đường tiếp xúc ăn uống, vi-rút gây bệnh có thể làm viêm niêm mạc miệng, lở môi, lở miệng… cho người. Thông thường trên miếng thịt đã được cắt ra không thể biết được là từ lợn mắc bệnh lở mồm long móng; vì vậy tốt nhất vẫn là phải nấu chín thịt thật kỹ để loại trừ mầm bệnh.

Đối với bệnh vi khuẩn liên cầu lợn thường cư trú quanh năm ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Nhưng khi con lợn nhiễm virus lợn tai xanh, sức miễn dịch bị suy giảm khiến vi khuẩn liên cầu phát triển mạnh, gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho lợn. Khi mổ thịt những con lợn bệnh này, hoặc đi tiêu hủy mà không đúng cách, rồi chế biến thịt trước khi đun nấu, thậm chí có nhiều người do không biết lợn bệnh nên vẫn ăn các sản phẩm tươi sống từ con lợn như tiết canh, lòng lợn, nem chạo… khi đó cơ thể người sẽ hấp thụ một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn còn sống. Đặc biệt, trên những nền bệnh nhân như tiểu đường, suy gan, nghiện rượu… thì liên cầu khuẩn lợn càng dễ gây bệnh.

Do đó, để đảm bảo an toàn thực phẩm người tiêu dùng không nên ham rẻ mua các loại thịt lợn đã chết, mắc bệnh truyền nhiễm vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích