Chuyên gia cảnh báo: Cá sông hay cá biển nếu sống ở môi trường ô nhiễm đều dễ nhiễm thủy ngân
Cá sống trong môi trường ô nhiễm dễ “ngậm thủy ngân”
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, cá có rất nhiều loại, từ cá biển, cá sông đến cá nước lợ. Mỗi loài cá đều có giá trị dinh dưỡng nhất định và có lợi cho sức khỏe con người khi ăn đúng cách.
Cá là nguồn cung cấp protein, dưỡng chất giúp tăng trưởng và duy trì các mô của cơ thể. Cá còn là nguồn cung cấp axit béo omega 3, vitamin D… tác dụng giúp nâng cao sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.
Hiện nay, rất nhiều người lo ngại cá biển có nguy cơ “ngậm thủy ngân” nên không dám ăn. Liên quan đến vấn đề này, PGS Thịnh nêu quan điểm, không thể nói tất cả các loại cá biển đều có thủy ngân, chỉ những vùng môi trường ô nhiễm thì nguy cơ cá nhiễm thủy ngân cao hơn.
PGS Nguyễn Duy Thịnh giải thích, về mặt an toàn thì cá biển an toàn hơn cá sông, cá đồng. Xét về mặt dinh dưỡng cá biển cũng tốt hơn cá đồng. Tuy nhiên, môi trường nguồn nước ô nhiễm thì cả cá sông, cá đồng, cá biển đều không còn an toàn. Sông ngòi ô nhiễm đổ ra biển khiến cho cá biển nhiễm độc rất nhiều. Khi việc ô nhiễm môi trường luôn trong trạng thái đáng báo động, lượng thủy ngân trong nước đặc biệt tăng cao, kéo theo các loại cá sinh sống cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt các loại cá gần bờ có nguy cơ nhiễm độc tố sẽ cao.
Những loại cá sống ở môi trường ô nhiễm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm thủy ngân cao không an toàn khi dùng. Ảnh minh họa
Nước, rác thải khi đổ ra biển thường lắng ở bùn, do đó các loại cá ở tầng đáy sẽ có nguy cơ nhiễm thủy ngân cao hơn. Tuy nhiên, một số loại cá ở tầng nổi cũng có nguy cơ nhiễm thủy ngân như cá thu là do nhiễm độc theo chuỗi thức ăn (cá lớn nuốt cá bé)”.
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, thủy ngân thuộc nhóm kim loại nặng, được tìm thấy trong tự nhiên như trong môi trường không khí, nước và đất. Kim loại này được thải ra ngoài môi trường bằng nhiều cách khác nhau như đốt than, hiện tượng phun trào núi lửa, chất thải công nghiệp, chất thải dân sinh…
Thủy ngân là kim loại nặng cực kỳ độc hại khi tiêu thụ vào cơ thể. Khi con người ăn phải những loại cá chứa thủy ngân ở mức vượt quá ngưỡng cho phép thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Theo thời gian, thủy ngân sẽ gây ra độc tính rất cao, làm gia tăng nguy cơ các bệnh lý về não và gan, Alzheimer, Parkinson, trầm cảm…Tuy nhiên, nếu biết ăn đúng cách thì cá biển vẫn đem lại nhiều giá trị cho sức khỏe.
“Ví như tại Nhật Bản, người dân vẫn ăn cá sống và họ đều sống rất thọ. Do cá họ khai thác đều là cá ở vùng xa bờ, cá đảm bảo sạch. Bản thân cá biển nếu không chịu tác động của ô nhiễm môi trường thì an toàn và cực kỳ tốt cho sức khỏe”, PGS Thịnh phân tích.
Hiện nay các nhà khoa học đã nghiên cứu và phân tích để đưa ra vùng biển, loại cá có nguy cơ nhiễm thủy ngân và các kim loại nặng khác. Đây là một tài liệu để người dân có thể tham khảo. Tuy nhiên, cách phòng ngừa nguy cơ nhiễm thủy ngân tốt nhất là không nên chỉ ăn 1 loại cá. Nên ăn đa dạng các loại cá, đa dạng thực phẩm để hạn chế việc tích lũy thủy ngân trong cơ thể vượt ngưỡng cho phép.
Một số loài cá tiêu biểu dễ nhiễm thủy ngân
Nói tới cá nhiễm thủy ngân Công ty Cổ Phần Dược Phẩm FPT Long Châu cho rằng, ngày nay, khi việc ô nhiễm môi trường luôn trong trạng thái đáng báo động, lượng thủy ngân trong nước đặc biệt tăng cao, kéo theo cá loại cá sinh sống cũng bị ảnh hưởng. Theo đó, con người có nguy cơ tiếp xúc với thủy ngân theo nhiều cách không chỉ hít phải hơi thủy ngân thông qua quá trình khai thác hay làm việc ở môi trường công nghiệp mà còn thông qua các loại cá trong thực đơn hàng ngày.
Rất nhiều trường hợp bị phơi nhiễm thủy ngân do ăn các loại cá ngậm thủy ngân, có hàm lượng thủy ngân cao vượt ngưỡng cho phép. Theo thời gian, thủy ngân sẽ gây ra độc tính rất cao và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, làm gia tăng các bệnh lý về não và gan, gia tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, tự kỷ, trầm cảm,…
Điển hình như cá hồi nuôi được cho ăn thức ăn công nghiệp. Nghiêm trọng hơn, các trang trại nuôi cá hồi thường không đảm bảo vệ sinh và có nguy cơ bị nhiễm chất độc như PCB và dioxin.
Mặc dù cá rô phi là loại cá gần gũi với người dân Việt Nam, thịt cá ngọt và dễ chế biến, tuy nhiên đây lại là loại cá có khá nhiều axit béo có hại tương tự như mỡ heo. Do đó, ăn nhiều cá rô phi có thể khiến tăng cholesterol trong máu và cá rô phi nằm trong danh sách 8 loại cá ngậm thủy ngân nhiều nhất mà nên cân nhắc chọn lựa.
Khi kiểm nghiệm chất tím tinh thể và chất xanh Malachite trong cá trê tại Mỹ thì kết quả đều không như mong đợi. Đáng buồn hơn, Hoa Kỳ liệt kê cá trê vào danh sách những loại cá không đảm bảo chất lượng và thuộc 8 loại cá ngậm thủy ngân nhiều nhất.
Cá thu ở khu vực Đại Tây Dương được xem là an toàn mà bạn đọc có thể chọn lựa. Cá ngừ cũng có chứa nhiều thủy ngân, đặc biệt là các loại cá ngừ vây xanh và cá ngừ vây đen.
Tiêu chuẩn TCVN 13585-3:2022 cá nước ngọt – Yêu cầu kỹ thuật – Phần 3: Giống cá chiên, cá chạch sông, cá anh vũ
Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố nhằm đưa ra đưa ra các yêu cầu kỹ thuật đối với cá chiên, cá chạch sông và cá anh vũ bao gồm cá bố mẹ, cá bột, cá hương và cá giống.
Theo đó yêu cầu đối với cá bố mẹ phải có nguồn gốc rõ ràng (từ tự nhiên hoặc sinh sản nhân tạo) và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được quy định.
Đối với cá chiên phải có ngoại hình thân trần, có 1 vây mỡ ở sau vây lưng. Phần đầu to, dẹp bằng và nhỏ dần về phía đuôi. Cá chạch sông có thân phủ vẩy tấm nhỏ. Thân thon dài. Vây đuôi tròn. Trên thân có các vân dạng ô lưới. Cá anh vũ có thân phủ vẩy mỏng. Mình tròn. Mõm dưới nhô về phía trước và có các hạt sần.
Về màu sắc cá chiên có màu nâu sẫm, bụng màu trắng đục, trên thân có một số vùng đen sẫm. Cá chạch cơ thể màu xám đen, trên thân có các hoa văn hình mạng lưới. Cá anh vũ cơ thể màu đen ánh xanh, bụng trắng sữa. Dọc thân có một vệt xanh sẫm.
Về trạng trái hoạt động phải bơi lội nhanh nhẹn, có tiếng động bên ngoài, cho ăn phải phản ứng nhanh nhẹn.
An Dương (T/h)